Xử lý nợ xấu bằng ứng xử “đẹp”
Nâng cao hơn nữa hiệu quả xử lý nợ xấu | |
Phó Thủ tướng: Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị |
Ảnh minh họa |
Có thể nói, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với XLNX theo Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác XLNX, cơ cấu lại các TCTD. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019 toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 2%. Nếu tính từ ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 8/2019 thì toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro).
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, trong XLNX có sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của Quốc hội. Bởi, trong một thời gian rất gấp rút Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42 và cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; Quyết định 1058… đã tạo thành hành lang pháp lý, cơ sở vững chắc cho XLNX, tạo ra sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TCTD trong XLNX. Phó Thủ tướng cũng đánh giá rất cao thành công và nỗ lực của ngành Ngân hàng, của Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN trong triển khai Nghị quyết 42…
Đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là sự ghi nhận, khích lệ toàn ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực triển Nghị quyết 42. Song cũng phải thừa nhận, kết quả chúng ta đạt được trong XLNX vừa qua chưa được như kỳ vọng ban đầu. Và để có bước đột phá mới, thực hiện được đúng mục tiêu Nghị quyết 42 đặt ra sẽ còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Qua phát biểu tại Hội nghị có thể nhận diện một số khó khăn nổi bật của TCTD trong XLNX hiện nay: sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; thiếu sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, cơ quan liên quan như Tòa án nhân dân các cấp, cơ quan thuế, cơ quan thi hành án… và đặc biệt sự chây ì, thiếu trách nhiệm của không ít khách hàng trong xử lý tài sản bảo đảm cùng ngân hàng.
Đại diện VIB nêu ví dụ: Chúng tôi đã gặp những trường hợp khách hàng đòi đền bù vài chục triệu đồng cho việc tháo dỡ một tài sản họ tạm dựng lên sau khi tài sản đã bị thu giữ mà tòa án vẫn thụ lý giải quyết. Dẫn đến việc ngân hàng không thể bán tài sản mà phải đợi tòa giải quyết xong vụ án… Nhiều trường hợp khác, chủ tài sản hoặc người liên quan gửi đơn yêu cầu ngăn chặn các văn phòng đăng ký đất đai một cách vô căn cứ, các cơ quan này vẫn không sang tên, chuyển nhượng tài sản khiến ngân hàng không thể hoàn tất thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, do vậy không thu hồi được nợ…
Nghị quyết 42 cho phép thực hiện thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án. Nhưng cho đến giờ Tòa án Nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn tòa án các cấp thực hiện quy định này. Điều này dẫn đến hầu hết các tòa án đều không nhận thụ lý các đơn khởi kiện theo thủ tục rút gọn.
Lãnh đạo Agribank cho biết trong hai năm qua, cả hệ thống Agribank mới chuyển 10 vụ sang tòa án để thực hiện thủ tục rút gọn nhưng chỉ có một vụ được xử lý qua… hòa giải, còn lại đều được hướng dẫn chuyển sang thủ tục thông thường (?!). Một vấn đề khác, Nghị quyết 42 đã cho phép ưu tiên thanh toán đối với nợ gốc ngân hàng, thế nhưng khi đấu giá bán tài sản bảo đảm thành công thì cơ quan thuế lập tức thu các loại thuế khiến phần ngân hàng thu hồi được không còn đáng là bao.
“Phải xác định rõ XLNX là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho rằng muốn XLNX thì phải có ngân hàng đẹp, ứng xử đẹp… Ứng xử “đẹp” ở đây không chỉ là việc tuân thủ, thượng tôn pháp luật mà còn từ ý thức và hành động của tất cả các bên liên quan đến XLNX. Có như vậy trong thời gian tới, việc XLNX mới có thể được như kỳ vọng.