Xuất khẩu cà phê - nhiều về lượng, yếu về thương hiệu
Về giá trị cà phê xuất khẩu, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend đưa ra các dẫn chứng: Colombia chỉ xuất khẩu gần 1 triệu tấn, nhưng chủ yếu là cà phê Arabica. Nước này đã tập trung vào nâng cao chất lượng cà phê nhân và vùng trồng cho khoảng 5% diện tích canh tác nhằm tạo ra loại cà phê chất lượng cao cùng nhiều hoạt động xây dựng thương hiệu khác nên đã thu về từ xuất khẩu cà phê nhân 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới.
Cũng như vậy, theo dữ liệu từ Eurostat, nhập khẩu cà phê xanh của Thụy Sỹ vào khoảng 192.000 tấn trong năm 2021 và 99% là từ các quốc gia như Brazil, Comlumbia, Việt Nam. Chỉ 1,1% trong số này được tái xuất, tương đương 2 nghìn tấn, số còn lại là tiêu dùng trong nước và được xuất đi dưới dạng cà phê đã rang và các tinh chế khác có thương hiệu. Và Thụy Sĩ trở thành nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới với giá trị khoảng 3,6 tỷ USD hàng năm.
Ảnh minh họa |
Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới với giá trị xuất khẩu cà phê đạt 2,35 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Trong đó, 82% cà phê của Việt Nam xuất khẩu dạng nhân thô (chủ yếu là Robusta) với giá trị 2,9 tỷ USD, trong khi kim nghạch xuất khẩu cà phê Arabica chỉ có 260 triệu USD, cà phê đã khử cafein 76,9 triệu USD và cà phê rang xay – hòa tan có giá trị 598 triệu USD.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, Comlumbia và Thụy Sĩ có số lượng cà phê xuất khẩu ít nhưng giá trị thu về cao là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà nước này đã xây dựng được. Đây là câu chuyện đáng để ngành cà phê Việt Nam học hỏi.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đặt vấn đề: “Việt Nam có cà phê ngon nhưng thương hiệu vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Nhắc tới rượu vang thì chúng ta nghĩ ngay tới Pháp, tại sao khi nói tới cà phê Robusta, người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết tới Việt Nam, dù Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản xuất sau Brazil nhưng đứng số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta?”.
Theo ông Huy, sau một thời gian dài, với sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp thì cà phê Việt Nam đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng từng bước nâng tầm thương hiệu như hiện tại. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp, người nông dân được hưởng lợi rất nhiều, đầu ra được đảm bảo, giữ vững thu nhập.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường tiêu thụ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê nội địa đã tăng hơn 10%. Mức tăng bắt đầu trong tháng 1 và đang tiếp tục được duy trì. Điều này không chỉ giúp nông dân được hưởng lợi, mà ngành cà phê Việt Nam năm 2023 còn có thể thiết lập một kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là hơn 4 tỷ USD. Đây là tín hiệu khởi sắc, tạo động lực cho nông dân, các hợp tác xã, nhất là ở vùng Tây Nguyên kiên trì canh tác hữu cơ, để làm ra sản phẩm cà phê đặc sản, nâng tầm giá trị cà phê Việt.
Hiện nay, các vùng chuyên canh cà phê tại Tây Nguyên đã triển khai các hợp phần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo hướng bền vững ở cả 3 mặt là kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với đó, các dịch vụ kèm theo khác như rang xay, chế biến sâu, pha chế... cũng sẽ có cơ hội phát triển. Đây là cơ sở để có thể tiến đến hình thành chuỗi giá trị, hệ sinh thái riêng mang đặc trưng riêng ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, để ngành hàng này nâng cao sức cạnh tranh, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải chủ động liên kết vùng sản xuất để cùng phát triển và tạo dựng ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo theo các quy trình đồng nhất.
“Đặc biệt, với những thị trường khó tính, cà phê đặc sản là sản phẩm giúp xây dựng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của cà phê Việt Nam”, lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam khẳng định.