Xuất khẩu của Trung Quốc giảm kỷ lục
Diễn biến lạm phát cao ở các thị trường phát triển quan trọng và tình hình địa chính trị ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu được cho là những lý do chính. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 6,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ, cao hơn mức giảm 4,5% trong tháng 5.
Theo Lu Daliang, phát ngôn viên của cơ quan hải quan Trung Quốc, thương mại của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực khá lớn trong nửa cuối năm nay. Dữ liệu thương mại là một dấu hiệu khác cho thấy, Trung Quốc sẽ không thể hoàn toàn tin tưởng vào các yếu tố bên ngoài trong việc vực dậy đà tăng trưởng đang chững lại. Bên cạnh đó, sự sụt giảm trong nhập khẩu tháng 6 cũng phần nào cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu.
Theo Zhiwei Zhang, Chủ tịch của Pinpoint Asset Management, dữ liệu mới nhất ở các nước phát triển cho thấy những tín hiệu nhất quán về sự yếu kém hơn nữa, điều này có thể sẽ gây thêm áp lực lên xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước, nhưng câu hỏi lớn trong vài tháng tới là liệu nhu cầu trong nước có thể phục hồi mà không cần nhiều kích thích từ Chính phủ hay không.
Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng chỉ ra sự khác biệt ngày càng tăng trong thương mại của Trung Quốc, khi thương mại với các nền kinh tế ở Đông Nam Á và các đối tác “Vành đai và Con đường” đang tích cực hơn so với thương mại với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Hiện Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán để tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực thương mại tự do và thực hiện đầy đủ Hiệp định RCEP.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm 24% trong tháng 6 xuống còn 42,7 tỷ USD so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu cũng giảm 4% xuống gần 14 tỷ USD, theo tính toán của CNBC trên các dữ liệu chính thức được truy cập qua Wind Information. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang khối ASEAN giảm 17% xuống còn 43,3 tỷ USD trong tháng 6 so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 4% xuống còn 34,1 tỷ USD.
Các số liệu chính thức hôm thứ Năm cũng cho thấy, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với ASEAN vào tháng 6 là 77,4 tỷ USD, lớn hơn giá trị thương mại của Trung Quốc với EU là 68,8 tỷ USD và với Mỹ là 55,7 tỷ USD.
Theo Zhou Hao, một nhà kinh tế tại Guotai Junan International, những cơn gió ngược mà khu vực bên ngoài phải đối mặt vẫn mạnh mẽ, điều này cho thấy cần có các hỗ trợ chính sách để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã báo hiệu rằng, họ có thể sẽ thận trọng và có mục tiêu trong việc hỗ trợ chính sách. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc đã cam kết đưa ra các biện pháp chính sách có mục tiêu và thực hiện một cách kịp thời để ổn định tăng trưởng, đảm bảo việc làm và phòng ngừa rủi ro.y