Xuất khẩu giảm kỷ lục đẩy Hàn Quốc rơi vào suy thoái
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục |
Ảnh: Reuters |
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã suy giảm với mức điều chỉnh theo mùa vụ là 3,3% trong quý II so với quý trước đó, ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm. Đây là mức giảm mạnh nhất theo quý kể từ quý I/1998 và cũng nhiều hơn so với mức giảm 2,3% mà các nhà kinh tế đưa ra dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters mới đây.
Hàn Quốc đã gia nhập cùng Nhật Bản, Thái Lan và Singapore về suy thoái kỹ thuật với việc suy giảm 2 quý liên tiếp, khi đại dịch làm sụp đổ các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và hoạch định chính sách đang dự đoán triển vọng phục hồi tại các nước này có thể sẽ nhanh hơn so với các nước khác trong khu vực.
"Chúng ta có thể thấy cách mà Trung Quốc hồi phục trong quý thứ III khi đại dịch diễn biến chậm lại và hoạt động sản xuất ở nước ngoài, trường học và bệnh viện quay trở lại guồng máy của nó", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết sau khi dữ liệu kinh tế được công bố, đề cập đến sự tăng trưởng trở lại của Trung Quốc trong quý II sau khi sụt giảm mạnh hồi đầu năm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý II đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ quý IV/1998 và cũng nhiều hơn so với mức giảm 2,0% được dự báo trước đó.
Xuất khẩu - chiếm gần 40% thu nhập của nền kinh tế, là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng khi đã giảm 16,6% trong quý II, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1963. Trong khi đó, đầu tư xây dựng giảm 1,3% theo quý, đầu tư vốn giảm 2,9%, sản lượng từ khu vực sản xuất và dịch vụ giảm lần lượt 9,0% và 1,1%.
POSCO - nhà sản xuất thép Hàn Quốc lớn thứ năm thế giới - đã báo cáo lợi nhuận giảm 84,3% trong quý thứ II của năm nay, khi nhu cầu thép toàn cầu giảm mạnh.
Trong khi đó, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn số 2 thế giới SK Hynix cũng đưa ra cảnh báo về sự không chắc chắn trong kinh doanh vào nửa cuối năm, ngay cả khi lợi nhuận trong quý II đã tăng gấp ba lần.
"Trong khi chi tiêu của người tiêu dùng sẽ dần hồi phục, thì mối đe dọa từ virus dường như vẫn còn hiện hữu và một số biện pháp giãn cách xã hội có thể sẽ được giữ nguyên", nhà kinh tế học về châu Á, Alex Holmes, nói.
"Cùng lúc, nhu cầu toàn cầu có khả năng phục hồi chậm, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi xuất khẩu", ông nói thêm.
Hàn Quốc đã báo cáo gần 14.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 300 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Con số này là tương đối thấp mặc dù sự gián đoạn kinh tế là rất đáng kể.
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hàn Quốc là mức tăng 1,4% của tiêu dùng tư nhân trong quý vừa qua so với ba tháng trước đó, nhờ vào các khoản tiền mặt của chính phủ đã thúc đẩy chi tiêu cho các nhà hàng, quần áo và các hoạt động giải trí.
Cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã tung ra khoản kích thích trị giá khoảng 277 nghìn tỷ Won (tương đương 231 tỷ USD) để chống lại sự sụp đổ kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không có khả năng tác động đến lực mua đối với loại hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như chip nhớ, ô tô hay các sản phẩm hóa dầu...
Park Sang-hyun, nhà phân tích của HI Investment & Securities, cho biết: "Điều tồi tệ nhất dường như đã kết thúc. Hiệu ứng từ ngân sách bổ sung sẽ cải thiện tình hình đầu tư".
Trong cả năm 2020, các nhà phân tích dự báo nền kinh tế suy giảm trung bình 0,4%, đây sẽ là lần giảm đầu tiên và lớn nhất kể từ năm 1998. Nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính mức giảm thậm chí còn lớn hơn tới -2,1%.