Xuất khẩu hàng thời trang sang châu Phi
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thị trường châu Phi đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2010 và đạt 6,25 tỷ USD vào năm 2020. Hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và khu vực châu Phi đang chứng kiến sự gia tăng cả về số lượng, giá trị và địa bàn đầu tư. Năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 3,36 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Xuất khẩu từ châu Phi sang Việt Nam đạt 4,71 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2020.
Ảnh minh họa |
Ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là ngành hàng thời trang. Hiện nay nhu cầu của ngành hàng thời trang châu Phi đang tăng lên, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Phi biết đến sản phẩm thời trang Việt. Ngành sản xuất dệt may, da giày của Việt Nam rất phát triển, có thể đáp ứng nhiều đơn hàng lớn với mức độ yêu cầu cao, thỏa mãn nhiều phân khúc thị trường thế giới, nhưng việc cung ứng cho thị trường khu vực châu Phi hiện và kim ngạch xuất khẩu còn rất nhỏ.
Ngoài ra, còn tồn tại một số hạn chế như về vị trí địa lý, văn hóa, con người khác biệt, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi thiếu thông tin về năng lực, nhu cầu của nhau. Một số nền kinh tế châu Phi vẫn chưa có độ mở cao và vẫn duy trì mức thuế suất nhập khẩu cao.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria, với dân số 44 triệu người, Algeria nhập khẩu hàng dệt may chiếm tới 94% nhu cầu. Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Algeria là 311 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu vải bông hơn 700 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Algeria còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2,2 triệu USD năm 2020, mặc dù các thương hiệu "Made in Việt Nam" xuất khẩu sang Algeria luôn được người tiêu dùng Algeria đánh giá cao.
Cùng với đó, các loại thuế nhập khẩu hàng may mặc vào Algeria vẫn ở mức cao với tổng cộng các loại thuế là 53%. Các mặt hàng dệt may đến từ các nước có FTA với Algeria như EU, khối các nước Ả-Rập được giảm thuế nhập khẩu nên chỉ ở mức 30%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Algeria có nhu cầu cao về vải sợi và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, thị trường châu Phi có rất nhiều tiềm năng, dư địa rất lớn.
Theo ông Opeyemi Alaran, quyền Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Quốc gia Nigeria, quy mô ngành công nghiệp thời trang của Nigeria năm 2020 là 8,6 tỷ USD và đạt 10,8 tỷ USD vào năm 2021; điều này cho thấy ngành công nghiệp thời trang của quốc gia này vẫn tăng trưởng cao bất chấp đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch Covid cũng đưa ra cảnh báo việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu và thị trường, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Hiện ngành thời trang may mặc của Nigeria đang đối mặt với việc thiếu cơ sở hạ tầng, rồi tình trạng quan liêu. Hiện tại, Nigeria đang nỗ lực khắc phục những hạn chế đó và đẩy mạnh việc khuyến khích các nhà đầu tư vào quốc gia này.