Xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19: Biến khó khăn thành cơ hội
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2020 là một năm đầy thử thách đối với nền kinh tế đất nước dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên trong “nguy có cơ”, bởi cùng với sự nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã đạt được “thành tích xuất siêu không những được giữ vững mà còn có thể lập nên kỳ tích mới”, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết cuối năm của ngành Công thương.
Quả vậy, bất chấp thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam vẫn được duy trì với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Nhờ đó cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục 19,1 tỷ USD, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm qua.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn khẳng định vị trí “ngôi vương” trên thị trường xuất khẩu |
Trong bức tranh xuất khẩu đó, ngành nông nghiệp có những đóng góp vô cùng quan trọng, khẳng định trụ cột của nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn nhất. Cụ thể, năm 2020 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu, đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang diễn biến phức tạp. Tốc độ tăng trưởng GDP trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2,65%, tổng kim ngạch xuất khẩu 41,25 tỷ USD, thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm...
Trong đó, nổi bật là mặt hàng gạo xuất khẩu được coi như sản phẩm nông nghiệp chiến lược, chủ chốt và có thể nói năm 2020 là năm thắng đậm của gạo Việt Nam khi nông dân trúng mùa lớn, kim ngạch xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Ngành gạo không những đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỷ USD trong năm nay. Điều này có ý nghĩa và giá trị vô cùng quan trọng trong điều kiện các nước trên thế giới đều tăng mạnh nhu cầu tích trữ lương thực trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp xảy ra, những kết quả đạt được trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của đất nước giữ được mức tăng trưởng dương. Mức tăng trưởng này cũng thể hiện rõ khả năng thích nghi và ứng phó của các ngành hàng nông nghiệp nước ta trong điều kiện xuất khẩu nông sản gặp vô vàn khó khăn.
Nhất là, một số thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc bị sụt giảm mạnh do là nước khởi phát dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản có mức sụt giảm từ 25% - 30%. Tuy nhiên, điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu nhờ vào những lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhiều lô hàng nông sản của nước ta liên tiếp được xuất khẩu sang châu Âu với mức thuế ưu đãi là 0%… Điều quan trọng là với EVFTA, ngành nông nghiệp nước ta còn có cơ hội thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU. Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng ổn định và minh bạch hơn vì hệ thống pháp luật được điều chỉnh, bổ sung quy định để phù hợp với các FTA đã ký kết. Những lợi ích đó là đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam không chỉ ở thị trường châu Âu mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo hàng đầu áp dụng nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA cho biết, Lộc Trời hướng tới việc sản xuất theo nhu cầu khách hàng. Từ đơn đặt hàng, Tập đoàn sẽ ký hợp đồng để tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên kiểm soát tất cả các khâu trên đồng ruộng theo quy trình sản xuất bền vững SRP. Cùng với việc kiên định phát triển phân khúc gạo cao cấp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, việc áp dụng quy trình quốc tế sẽ giúp gia tăng kim ngạch, nâng cao giá trị xuất khẩu, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là với thị trường EU.
Mới đây nhất, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến của nước ta trong thời gian tới. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt các cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững… để đưa xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.
“Hiện tại, nông - lâm - thủy sản vẫn được đánh giá là ngành có mức độ rủi ro thấp vì bất ổn chỉ có tính nhất thời. Khi dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sẽ ổn định trở lại vì nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp là rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Tuy nhiên theo ông, cũng cần nhìn nhận lại những tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục, là những bất lợi của ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới. Xét về tổng thể sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, công nghệ, kỹ thuật chưa cao, đe dọa đến sự an toàn, sức cạnh tranh khi thực hiện các quy chuẩn thế giới. Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Sự kết nối chặt chẽ của các ban, ngành với các địa phương và người nông dân cũng là yếu tố quan trọng nhằm tạo ra quy trình khép kín sản xuất, phân phối, quản lý chuyên nghiệp, bài bản...
Năm 2021, trước vận hội mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “biến nguy thành cơ” để tăng trưởng nông nghiệp, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... tiếp tục mở rộng thị trường, ổn định đầu ra, thực hiện mục tiêu kép, tận dụng cơ hội để nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cố gắng đạt mục tiêu GDP nông nghiệp 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD...
Muốn đạt được kết quả này, ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, bám sát quy định của các FTA để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào các thị trường chất lượng, vừa đem lại kim ngạch, giá trị cao, vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, giá trị thấp. Cùng với đó để thúc đẩy mạnh mẽ, Nhà nước cần tăng cường đầu tư hiệu quả hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp để có thể phát huy tốt nhất thế mạnh, cũng như vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.