Xuất siêu lớn, nhưng lo hơn mừng
Xuất siêu 427 triệu USD trong nửa đầu tháng Bảy Xuất nhập khẩu có chút khởi sắc |
Ổn định là khởi đầu của phục hồi?
Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC vừa công bố báo cáo “Dữ liệu Việt Nam tháng 7 - Sự ổn định quý giá”, trong đó nhận định, dù dòng chảy thương mại toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự hồi phục rõ ràng, Việt Nam đang khởi đầu nửa cuối năm 2023 với những dấu hiệu ổn định ở các lĩnh vực ngoại thương. Phân tích chi tiết dữ liệu tháng 7 - tháng đầu tiên của nửa cuối năm 2023 - báo cáo này cho biết, dù vẫn ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ (giảm 3,5%) nhưng xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua.
Trong khi một số mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may, giày dép và điện thoại, tiếp tục chịu sự sụt giảm ở mức hai con số, thì các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử lại bất ngờ tăng vọt 32% so với cùng kỳ, qua đó bù đắp phần nào những khó khăn này. Đây là những dấu hiệu đang cho thấy một sự ổn định quý giá - đặc biệt là từ các hoạt động nhập khẩu liên quan đến máy tính.
Trong khi đó, tâm lý quan ngại đối với triển vọng thương mại vẫn tiếp diễn khiến chỉ số PMI sản xuất tháng 7 vẫn nằm trong vùng thu hẹp ở mức 48,7. Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cũng cho biết, các chỉ số tần số cao đang bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu ổn định. Mặc dù còn sớm để đưa ra nhận định, nhưng các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy “triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn - đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn”, báo cáo nhận định. Đáng chú ý, việc xuất khẩu chỉ giảm nhẹ 3,5% trong khi nhập khẩu vẫn giảm tới 9,9% so với cùng kỳ, nên tháng 7 ghi nhận mức thặng dư thương mại ở mức 2,2 tỷ USD, qua đó đưa mức xuất siêu 7 tháng ước tính đạt 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Đây là con số rất “hiếm gặp” trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam.
Trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) và TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đều khẳng định đây là điểm sáng tích cực của ngoại thương. “Cán cân thương mại hàng hóa là một thành tố quan trọng trong cán cân thanh toán quốc tế. Nên cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lớn như vậy góp phần đảm bảo ổn định, giảm áp lực cho tỷ giá. Đấy là yếu tố tích cực về mặt vĩ mô”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên khi nhìn vào nền kinh tế thực, thặng dư thương mại hàng hóa hiện nay lại phản ảnh một vấn đề đáng quan tâm. TS. Thành phân tích, những năm trước đây, xuất siêu có được khi cả xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tốt, trong đó xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu. Nhưng hiện nay, xuất siêu có được khi cả xuất, nhập khẩu cùng giảm mạnh, với đà giảm mạnh hơn nhiều của nhập khẩu. Với xuất khẩu, sự suy giảm là tất yếu khi nhu cầu thu hẹp, các đối tác nhập khẩu lớn đều khó khăn.
Rất đáng lo khi nhập khẩu giảm mạnh
Song, điều mà TS. Võ Trí Thành lo ngại hơn là đà giảm rất mạnh của nhập khẩu. “Nhìn vào cấu trúc của nhập khẩu, đóng góp chủ yếu là nhập khẩu hàng trung gian (nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu linh kiện…) để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu. Nhập khẩu hàng trung gian giảm phản ánh xuất khẩu, đặc biệt trong công nghiệp chế biến chế tạo trong tương lai sẽ giảm. Bên cạnh đó, một phần rất lớn khác trong cấu trúc nhập khẩu là nhập khẩu các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Do đó, khi cấu phần này giảm cho thấy đầu tư đang có sự chững lại hoặc suy giảm, hàm ý trong những năm tới, năng lực sản xuất sẽ yếu đi”, chuyên gia này phân tích.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Phong đặc biệt lo ngại về thực trạng nhập khẩu giảm hiện nay. 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong cơ cấu nhập khẩu 7 tháng qua, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 93,8%. Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,9%. “Lo ngại là đương nhiên, vì xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu (tư liệu sản xuất). Mà nhập khẩu sụt giảm liên tiếp và âm rất nặng như thế này khiến sản xuất phục vụ cho xuất khẩu trong các kỳ sau sẽ rất khó khăn”, ông Phong nói.
Cho rằng mục tiêu đặt ra cho xuất, nhập khẩu năm nay rất khó đạt được, TS. Võ Trí Thành chỉ kỳ vọng các cơn gió ngược trên toàn cầu đang từ cấp 7, cấp 8 có thể sẽ giảm dần về cấp 3, cấp 4 trong năm nay đã là đáng mừng. “Các dữ liệu mới nhất cho thấy xuất, nhập khẩu vẫn tăng trưởng âm, chỉ là đỡ âm đi thôi. Tức là kỳ vọng trong quý III, quý IV tới có thể nhúc nhích đi lên. Nhìn chung cả năm nay về cơ bản là vẫn rất khó, chỉ có bớt khó hơn trong nửa cuối năm”, chuyên gia này nói, chỉ ra hai yếu tố giúp “bớt khó” hơn là tăng trưởng kinh tế của các đối tác lớn của Việt Nam dự kiến sẽ bớt suy thoái, suy giảm hoặc phục hồi tốt hơn kỳ vọng trước đó; đồng thời áp lực lạm phát tiếp tục giảm xuống, giúp các điều kiện tài chính tiền tệ trên toàn cầu bớt thắt chặt hơn.
Tiếp tục tận dụng tốt các FTA đã ký kết và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng; Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách, quy định của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời, tránh để mất cơ hội xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu… vẫn là các giải pháp chính để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Cùng với đó TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần có các nghiên cứu, phân tích sâu hơn về đà giảm mạnh của xuất khẩu Việt Nam. “Đồng ý là về tổng thể, cầu khó khăn nên xuất khẩu giảm nhưng tại sao lại giảm sâu đến thế. Ngoài một, hai mặt hàng tăng trưởng tốt còn lại đều giảm mạnh”, chuyên gia này nói và lưu ý, trước đây các nhà kinh tế đều khẳng định rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn không lớn (biến động tăng - giảm không mạnh) vì đều là các mặt hàng thiết yếu, nhưng thực tế hiện nay thì đều giảm rất mạnh. “Vì vậy, cần có các phân tích, tìm hiểu sâu để nhìn nhận thị trường ngách, thị trường của từng sản phẩm xuất khẩu cho sâu hơn, từ đó có sự chuyển hướng, chuyển đổi cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp”, chuyên gia này gợi ý.