Agribank thúc đẩy kinh tế vùng
Khơi thông dòng chảy vốn “công nghệ cao” | |
Agribank dành 5.000 tỷ đồng cho vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi | |
Agribank luôn tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp |
Phát triển kinh tế vùng là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển. Xu thế này đặc biệt cần thiết đối với những quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển hoặc đang phát triển, nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 19 - 20%) trong tổng sản phẩm quốc nội, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay.
Là kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế, trong suốt nhiều năm trở lại đây, đồng vốn của ngành Ngân hàng đã toả ra khắp các vùng kinh tế trong cả nước. Đặc biệt các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư đã làm thay đổi nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Bắc.
Trong những năm qua, Agribank luôn dành 70% tổng dư nợ cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng ngành NH đầu tư lĩnh vực quan trọng này. Qua nguồn vốn tín dụng, Agribank không chỉ làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn mà còn có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm.
Tại vựa lúa lớn nhất của cả nước, nguồn vốn đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn khu vực này không ngừng tăng, không chỉ phát huy lợi thế kinh tế vùng mà còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ông Tiết Văn Thành, Thành viên HĐTV- Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2016, dư nợ cho vay của Agribank tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL chiếm trên 15% tổng dư nợ toàn hệ thống; chiếm tỷ trọng hơn 30% thị phần dư nợ cho vay của các TCTD tại khu vực….
Nguồn vốn Agribank đóng vai trò tích cực thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc phát triển |
Trong đó NH ưu tiên mục tiêu chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi, cây trồng; mở rộng và ưu tiên cho vay các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm đối phó với diễn biến khí hậu, tình trạng ngập mặn, hạn hán tại ĐBSCL. Dư nợ cho vay theo các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới chiếm trên 85% tổng dư nợ, tương đương 88.000 tỷ đồng.
“Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 phù hợp với định hướng, mục tiêu của Agribank và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa Ngân hàng - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp”, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành nhấn mạnh.
Ngoài nguồn vốn đầu tư cho vay sản xuất kinh doanh, Agribank luôn đi tiên phong thông qua các gói tín dụng ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân gặp khó như tạm trữ lúa gạo, tháo gỡ khó khăn đối với nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản…
Còn với khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt trên mọi phương diện như Tây Nguyên, trong tổng mức vốn tín dụng 10 tỷ USD trên địa bàn mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay, nguồn vốn tín dụng của Agribank cũng chiếm đến 30%. Lãnh đạo Agribank cho biết, Tây Nguyên là khu vực Agribank đang thực hiện điều chuyển vốn của hệ thống để đáp ứng tối đa nguồn vốn đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đầu tư tín dụng phát triển cà phê và các cây công nghiệp thế mạnh khác.
Ở khu vực được mệnh danh là “thủ phủ” của cà phê, dư nợ cho vay của Agribank đối với ngành này đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các TCTD tại địa bàn. Riêng về tái canh cà phê, đến nay, 6.302 khách hàng đã được vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh và trên 10.000 ha cà phê đã được tái canh từ nguồn vốn Agribank. Nhiều doanh nghiệp cùng nhiều hộ sản xuất và cá nhân tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum sản xuất kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của Agribank.
Còn ở vùng Tây Bắc, tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt bình quân 14,7%/năm. Với sự “góp sức” của Agribank, bức tranh kinh tế khu vực này trong những năm qua đã có nhiều nét bứt phá, tăng trưởng kinh tế tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương, khu vực thời gian qua rất đáng ghi nhận. Nhiều năm nay, ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào rất nhiều các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế vùng “3 Tây” đó là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Thông qua nguồn vốn tín dụng của các NHTM, kinh tế các khu vực, vùng trên cả nước đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ.
Hiện thực hóa mục tiêu đồng hành cùng địa phương, các vùng kinh tế phát triển bền vững, Agribank cùng ngành Ngân hàng tiếp tục đảm bảo cân đối nguồn vốn cho vay, tìm và đầu tư vốn vào những dự án hiệu quả. Từ kết quả đã làm được, với kinh nghiệm và nền tảng hoạt động ngày càng bền vững, Agribank xác định tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn các khu vực. Trong đó, Agribank chú trọng triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ NH gắn với nông nghiệp nông thôn, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Agribank chủ động phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt, cải cách hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn để ngày càng có nhiều khách hàng có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hàng hóa sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi giá trị… nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế và địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, với mong muốn nguồn vốn đầu tư sẽ được tăng tốc cả về chất và lượng, NH cần sự đồng hành của các bộ, ngành để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; cùng hỗ trợ các vùng kinh tế phát huy tiềm năng, thế mạnh. Lãnh đạo Agribank kỳ vọng cơ chế phối hợp đầu tư tài chính phục vụ liên kết vùng kinh tế được thể hiện một cách rõ ràng hơn.