Ẩm thực và quảng bá
"Tin rất, rất quan trọng đây. Một quan chức cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các nhà báo tại trung tâm báo chí sẽ được thưởng thức những món đặc sản của Việt Nam như: nem, phở, xôi và thịt nướng", Bhanvan - phóng viên báo South Morning China Post đang tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội viết trên Twitter của mình như vậy.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Thành phố đã mời những đầu bếp nổi tiếng đến Trung tâm báo chí để giới thiệu với các nhà báo về các món ăn truyền thống và xem đây là cơ hội để quảng bá du lịch Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Viettravel, chia sẻ: Việt Nam có nguồn tài nguyên rất phong phú về ẩm thực do vậy cần phải đưa văn hóa ẩm thực đi trước để kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển. Nếu các lĩnh vực khác cần phải có lộ trình lâu dài, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật... thì ẩm thực có thể làm được ngay, mức đầu tư không lớn nhưng lại có thể trở thành lá cờ tiên phong cho các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản và thực phẩm đi theo.
Khi phát triển ẩm thực thì kéo theo đó là cả một ngành công nghiệp chế biến, lúc này nó không còn đơn thuần là văn hóa mà đã thúc đẩy kinh tế phát triển. Có thể kể đến tấm gương Hàn Quốc. Trước đây hàng hóa của xứ sở Kim chi ít được chú ý, nhưng chỉ sau một thời gian đầu tư tập trung phát triển văn hóa, đẩy văn hóa đi trước một bước, làm cho thế giới hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc, từ đó thế giới nhìn nhận về đất nước này bằng con mắt khác, kinh tế cũng vì vậy mà phát triển theo.
Ở trong nước, chúng ta có nguồn lực dồi dào các loại rau củ cây trái, tôm cá... đáp ứng nhu cầu ẩm thực. Nhưng điều quan trọng cần làm là chính sách, chiến lược để giúp người dân sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của thực khách. Với các nhà hàng, cần hỗ trợ để nâng tầm giá trị món ăn thành nghệ thuật ẩm thực, mặt khác cũng cần tư vấn cho cách bài trí không gian ẩm thực để quán ăn hấp dẫn, thân thiện, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam để thu hút khách quốc tế.
Ngoài hệ thống nhà hàng trải dài khắp đất nước, phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách du lịch quốc tế, nội địa, hiện Việt Nam còn có hệ thống hàng chục ngàn nhà hàng ở nước ngoài do người Việt điều hành. Có thể coi đây là một kênh quảng bá, xúc tiến hết sức hiệu quả. Chính người Việt tại các nước này sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng sở tại...
Nếu cả hệ thống trong và ngoài nước cùng kết hợp, thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành công trong việc phát huy giá trị của ẩm thực, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây sẽ là kênh quảng bá hiệu quả thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, vươn xa cùng thế giới.
Việt Nam có nền ẩm thực đa dạng, phong phú và hấp dẫn thực khách. Rất nhiều món ăn ngon của Việt Nam đã được cả thế giới biết đến như phở, bún chả, bún bò Huế, bánh mỳ, nem rán, các loại bánh... Điều làm nên sự khác biệt, hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam chính là tính hòa đồng, đa dạng, đậm đà hương vị, cân bằng âm - dương, chua - cay - mặn - ngọt hài hòa... Ẩm thực Việt vẫn “ghi điểm” với du khách quốc tế nhờ vị ngon đậm đà, ẩn chứa giá trị triết học sâu sắc và vẻ đẹp tinh thần dân tộc ta gìn giữ suốt hàng ngàn năm văn hiến.
Trong một lần đến Việt Nam, ông Philip Kotler, người được coi là cha đẻ của Maketing hiện đại, phát biểu: Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào với truyền thống ẩm thực lâu đời chia làm 3 miền Bắc, Trung, Nam đã tạo nên một nền ẩm thực rất đa dạng và phong phú. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền ẩm thực đặc trưng của các dân tộc thiểu số... cần phải biết cách khai thác thế mạnh của riêng mình để tiếp thị hình ảnh.