Áp lực trên thị trường bán lẻ
Tiêu dùng "đỡ" tổng cầu phục hồi tích cực | |
Nhà bán lẻ nội tăng hiện diện ở tỉnh |
Ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các “ông lớn” bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, thị trường cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu bán lẻ trong nước và “đối thủ” đến từ nước ngoài... Xung quanh những vấn đề này, mới đây ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ Savills TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhận định của mình. Dẫn chứng sự khởi sắc của thị trường bán lẻ Việt Nam là câu chuyện về “thời trang nhanh”.
Thị trường bán lẻ khởi sắc, nhưng cũng đầy áp lực |
Theo đó, từ sau cơn sốt Zara, thị trường thời trang Việt Nam lại xôn xao khi Hennes & Mauritz AB (H&M) chính thức ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9/2017. Độ phủ của hai thương hiệu này không còn xa lạ với những fashionista (tín đồ thời trang) trong nước. Đến nay, những gì mà Zara Vietnam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên của mình ở Vincom sau 1 năm đã chứng tỏ sức hút đáng kinh ngạc của trường phái kinh doanh fast - fashion (thời trang nhanh).
Sau thành công của Zara, một thương hiệu nổi tiếng khác là H&M đã có mặt. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu thương hiệu này có thành công như Zara? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã khiến cho nhiều “ông lớn” thời trang không thể chậm chân hơn nữa.
Theo kinh nghiệm làm việc với hai đối tác trên của bộ phận bán lẻ Savills, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập. Đối với Zara, phương châm làm nên chiến lược định giá là khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của từng thị trường và định giá sản phẩm dựa trên mức mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra. Được biết, doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng.
Sau Zara, các “anh em” nhà Inditex như, Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt thâm nhập thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng đầy tiềm năng. Còn đối với H&M, hệ thống các nhà cung cấp và đối tác rộng khắp cho phép thương hiệu này sở hữu mức giá phải chăng và không có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường. Chính sách giá “phải chăng” để thu hút số lượng lớn người mua đã được H&M áp dụng trên hơn 3.000 cửa hàng tại hơn 53 quốc gia.
Tại Việt Nam, giá thành của H&M cũng được dự đoán sẽ thấp hơn Zara, mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất cũng thể hiện trong tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 - 3.000 mét vuông của hãng. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan mà thương hiệu này có mặt. Trong tương lai, sự góp mặt của Uniqlo với những mô hình bán lẻ đặc trưng từ Nhật Bản cũng hứa hẹn sự sôi động cho thị trường này.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đây được xem là sự trở lại ngoạn mục, sau một thời gian dài “đóng băng”. Theo ông Phạm Thái Bình, bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường bán lẻ xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén, và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay.
Ngoài ra, các DN bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng. Từ đó, đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.
Nhìn chung, thị trường bán lẻ đã có sự mở cửa nhưng cánh cửa này vẫn chưa thật sự đủ rộng rãi. Vì vậy, để tránh mất thời gian và công sức, các DN bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào chiến lược M&A bởi ba lý do chính: Nhanh chóng, dễ dàng và an toàn. Nhanh là nhờ có sẵn sự hỗ trợ, dễ là không bị vướng mắc nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ và cuối cùng an toàn nhờ có lượng khách ổn định.
Nếu so với những hình thức đầu tư truyền thống thì chiến lược này giúp tiết kiệm cả tiền, công sức lẫn thời gian. Những điều này tạo nên sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường. Đẩy các DN bán lẻ trong nước vào thế khó khăn hơn khi chưa có tiềm lực đủ mạnh.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trường mới ở các tỉnh. Nhiều DN bán lẻ Việt Nam vẫn đang làm công việc thương mại là chính bao gồm xây dựng thương hiệu và bán hàng. Bởi vậy, nếu muốn phát triển bền vững, DN trong nước cần xây dựng những chiến lược dài hơi hơn và chú trọng hơn trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” lâu dài.