Nhà bán lẻ nội tăng hiện diện ở tỉnh
Bán lẻ thực phẩm trực tuyến lên ngôi | |
DN bán lẻ vươn lên mạnh mẽ | |
Giá bán lẻ sữa trẻ em không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký |
Kết quả khảo sát thị trường đến đầu tháng 8/2017 của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, cả hai thị trường hàng tiêu dùng nhanh thành thị và nông thôn Việt Nam cùng đạt mức tăng trưởng bằng nhau là 4,9%. Sự tăng trưởng chủ yếu đến từ việc tăng giá mua bình quân.
Số lượng gia đình người Việt sở hữu nhóm hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông (máy lạnh, máy giặt, tivi, kết nối internet…) ngày càng nhiều. Hiện đã chiếm đến 83% số hộ gia đình ở thành thị, tăng 4.5 điểm so với năm trước và 28% số hộ gia đình ở nông thôn (tăng 4.0 điểm so với năm trước). Kênh mua sắm hiện đại tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng chung của thị trường, đạt mức tăng 17% ở khu vực thành thị nhờ thu hút nhiều người mua mới. Hầu hết các thương hiệu của kênh siêu thị & đại siêu thị đều đang trên đà phục hồi.
Ở nông thôn, mặc dù chợ truyền thống vẫn được người dân ưa chuộng, lựa chọn mua sắm, nhưng mức bán hàng chỉ tăng trưởng từ 10% - 15%. Còn các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng bách hóa, tiệm tạp hóa nhỏ lại có mức tăng trưởng vượt bậc đến 67%. Những con số trên cho thấy, vẫn còn tiềm năng lớn để nhà bán lẻ thâm nhập và phát triển thêm thị trường tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nhà bán lẻ nội đang mở rộng thị phần về các tỉnh |
Ghi nhận thực tế hiện nay, chủ đầu tư hệ thống bán lẻ ở các địa phương (ngoài bốn thành phố lớn) hầu hết là doanh nghiệp trong nước. Bởi nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… vẫn còn đang tập trung đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn, có sức mua và lượng khách hàng ổn định. Còn lại, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước với lợi thế lớn là am hiểu nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, chọn được phân khúc hàng hóa phù hợp thị trường để kinh doanh, nên việc mở rộng hệ thống bán lẻ về các địa phương đang là chiến lược phát triển lâu dài.
Cụ thể, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) từ đầu năm 2017 đến nay đã mở 10 cửa hàng Satrafoods tại tỉnh Cần Thơ. Theo ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Satra, Satra đang mở rộng địa bàn phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi Satrafoods về các tỉnh miền Tây. Sau Cần Thơ, Satra sẽ mở tiếp 5 cửa hàng Satrafoods tại Bến Tre và 5 cửa hàng Satrafoods tại Vĩnh Long trong năm 2017.
Tại các địa phương miền Tây Nam bộ, Satra tăng cường liên kết với doanh nghiệp địa phương và TP. Hồ Chí Minh, cung cấp nguồn hàng tươi sống và chế biến như thịt theo, thịt gà, thịt bò của Vissan. Rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP từ các hợp tác xã tại Long An, Cần Thơ cung cấp. Nguồn trái cây là đặc sản của các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… và các loại trái cây do Satra nhập khẩu chính ngạch từ New Zealand, Hà Lan, Hàn Quốc. Hệ thống cửa hàng Satrafoods tại các tỉnh hiện đã có 80% trong số gần 4.000 mặt hàng ở mỗi cửa hàng này là thực phẩm an toàn với giá cạnh tranh.
Trước đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã mở trên 50 siêu thị tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tiếp cận đại đa số khách hàng tại các địa phương và khu vực nông thôn thuộc địa phương đó.
Saigon Co.op chọn hình thức đầu tư mở rộng chuỗi siêu thị bằng cách liên doanh với các doanh nghiệp tại địa phương (như dự án siêu thị Co.opmart mới nhất là siêu thị Co.opmart Chư Sê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Siêu thị Co.opmart Chư Sê sẽ kinh doanh trên 30.000 mặt hàng thiết yếu với 90% hàng hóa sản xuất trong nước, cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác. Bên cạnh đó, siêu thị Co.opmart Chư Sê sẽ là cầu nối đưa hàng hóa, đặc sản của Gia Lai đến hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc.
Không chỉ các siêu thị, trung tâm điện máy cũng bắt đầu mở rộng chuỗi cửa hàng về địa bàn các tỉnh. Nếu trước đây có Điện máy Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… mỗi tỉnh một trung tâm điện máy. Thì hiện tại, Điện máy Xanh đang trở thành thương hiệu có chuỗi siêu thị điện máy được đầu tư và hoạt động tại các tỉnh thành, khu vực nông thôn nhiều nhất hiện nay, với số lượng lên đến 351 siêu thị điện máy thuộc các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chuỗi siêu thị Điện máy Xanh đã bán trên 500.000 sản phẩm/tháng tại các tỉnh và kỳ vọng sẽ tăng số lượng hàng bán ra gấp 10 lần từ nay đến 2020.
Lợi thế của nhà bán lẻ trong nước khi về địa phương là họ đã có uy tín thương hiệu, người dân địa phương tin tưởng vào nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, chính sách bảo hành, hậu mãi… mà họ kinh doanh.
Đặc biệt, hầu hết các tỉnh hiện nay đều có thị trấn được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương. Mức sống, thu nhập và sự tiếp cận thị trường tiêu dùng hiện đại của người dân đã được nâng cao, sức mua tại các kênh mua sắm hiện đại cũng tăng theo. Đây chính là dư địa để nhà bán lẻ trong nước phát triển mạnh hệ thống siêu thị, cửa hàng của mình, mà không phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài, đã hiện diện dày đặc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh.