Bản hùng ca Điện Biên trong điện ảnh quốc tế
Nhắc tới các bộ phim về chiến dịch, chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến bộ phim thời sự - tài liệu “Việt Nam” hay “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen thực hiện tại Việt Nam năm 1954.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim tài liệu màu “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Roman Karmen |
Thời kỳ đó, nhân dân Liên Xô rất phấn khởi khi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ của những người anh em Việt Nam và muốn trực tiếp ghi lại những chiến công hiển hách này. Một đoàn làm phim thời sự tài liệu Liên Xô đã lên đường tới Việt Nam trong thời khắc lịch sử đó. Đoàn làm phim có 3 người: đạo diễn Roman Karmen và hai nhà quay phim - Epghen Mukhin và Vladimia Esurin.
Nhiệm vụ của các nhà điện ảnh Liên Xô là “quay một bộ phim về Việt Nam và ghi lại cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của đất nước mình”. Thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” còn mời nhiều nhà làm phim Việt Nam như Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi đi ghi hình độc lập theo yêu cầu của đạo diễn, và mời nhà văn Nguyễn Đình Thi làm cố vấn văn học.
Đạo diễn Karmen từng kể rằng ông đã quay được tổng cộng 10 nghìn thước phim, song chỉ chọn lại 1.680 thước để dựng thành tác phẩm. Đặc biệt, đạo diễn đã trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Bác Hồ góp ý cho việc đặt tên cho bộ phim. Những thước phim tài liệu quý giá dài hơn một tiếng đồng hồ đã được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1955.
Bộ phim thuật lại cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua lại bản quyền bản phim màu để phát sóng trên truyền hình, trước đó khán giả trong nước chỉ biết đến bản phim đen trắng.
Trong phim, khán giả có thể thấy cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân...
Không chỉ có bộ phim kể trên, chiến thắng Điện Biên Phủ còn được nhiều nhà làm phim quốc tế thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh thành công. Trong đó, được biết đến rộng rãi là bộ phim tài liệu “Cuộc chiến giữa hổ và voi” (tựa tiếng Anh - The Battle between a Tiger and an Elephant) của đạo diễn Daniel Roussel (Pháp). Ông là phóng viên báo L’Humanite (Nhân đạo) tại Việt Nam từ năm 1980-1986 nên rất thấu hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
“Cuộc chiến giữa hổ và voi” được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng lần đầu tiên năm 2009. Phim tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ - quân và dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm giành thắng lợi trước quân đội Pháp hùng mạnh.
Nhân vật trung tâm của bộ phim tài liệu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được khắc họa là người có nhãn quan quân sự tuyệt vời, đồng thời còn là người bình dị, gần gũi và nhân hậu. Phim cũng đã ghi lại được rất nhiều lời kể của các chứng nhân lịch sử về sự kiện Pháp thua trận ở lòng chảo Điện Biên rất có giá trị.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua phim tài liệu “Điện Biên Phủ” của đạo diễn nổi tiếng người Pháp Pierre Schoendoerffer (1928-2012) - một cựu binh đã quay lại Việt Nam năm 1992 để làm bộ phim. Điện Biên Phủ tập trung tái hiện cuộc giằng co 55 ngày đêm giữa lính Pháp với quân đội Việt Nam tại cứ điểm Điện Biên Phủ.
Điểm độc đáo của bộ phim này chính là cách dựng chuyện: các sự kiện được kể theo trình tự thời gian xảy ra cùng lúc trên hai địa điểm khác nhau là cứ điểm Điện Biên và Hà Nội. Chính cách kể chuyện song song này đã tạo nên tính chất dồn dập, vừa đối lập vừa bổ sung, khiến người xem có cái nhìn toàn cảnh hơn về trận chiến. Và làm Điện Biên Phủ, đạo diễn Pierre Schoendoerffer muốn nhắc nhở người Pháp đừng sai lầm, đừng bao giờ quên bài học ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Không thể kể hết những bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam 63 năm về trước. Và có lẽ rất nhiều bạn bè quốc tế sẽ có cùng dòng cảm xúc với đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen khi trong cuốn bút ký, ông viết: “Bảy tháng ở Việt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân... Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời”.