Báo động rủi ro từ đòn bẩy tài chính
Để hội nhập cần đòn bẩy tài chính | |
Điều chỉnh đòn bẩy tài chính và hiệu ứng |
Nhiều “đại gia” ngập nợ
Theo thống kê đến cuối quý II/2018, trên cả hai sàn chứng khoán HNX và HoSE có khoảng hơn 70 DN đang có tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản lớn hơn 50%. Các DN niêm yết (đã loại trừ ngân hàng) hiện nay đang có tổng vay nợ khoảng hơn 600.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm và chiếm 25,2% trong cơ cấu tổng tài sản.
Đến cuối tháng 6/2018 có khoảng 10 DN niêm yết lớn có tỷ lệ nợ vay cao hơn 65% tổng tài sản - Ảnh: PV |
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở quá mức cao đang khiến nhiều DN lớn rơi vào tình trạng rủi ro. Theo đó, với mức nợ vay 15.880 tỷ đồng (bằng 67% tổng tài sản), Tập đoàn Hoa Sen đang chạm ngưỡng về vay nợ và không thể cải thiện dòng tiền âm liên tục để tiếp tục gia tăng huy động vốn.
Theo các chuyên gia tại CKB Investment Consultant Group, từ 2008 đến nay dòng tiền của Tôn Hoa Sen chưa bao giờ là con số dương. Để có vốn kinh doanh, tập đoàn này kỳ vọng vào phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, với sự gia nhập thị trường của các mã chứng khoán mới như: HPG (của Tập đoàn Hòa Phát), NKG (của CTCP Thép Nam Kim), cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen luôn bị đánh giá thấp hơn và kém hấp dẫn.
Khi không thể kỳ vọng vào cổ phiếu, Tôn Hoa Sen chỉ còn cách buộc phải chạy đua doanh thu nhằm tăng tổng tài sản và gia tăng vay mượn. Dù vậy, việc không cải thiện được mức lợi nhuận vẫn đang khiến cổ đông của DN này bất bình và chán nản.
“Khả năng xấu nhất có thể xảy ra cho tập đoàn này là sẽ phải đối mặt nguy cơ phá sản nếu vẫn duy trì chiến lược tài chính như hiện tại”, các chuyên gia tại CKB nhận định.
Tương tự ở ngành bất động sản, các đại gia như: NovaLand, Nam Long, Đất Xanh… hiện cũng đều gần như chạm ngưỡng về vay mượn. Tổng dư nợ cho vay đối với các DN niêm yết ngành bất động sản tính đến cuối quý I/2018 đạt mức 79.000 tỷ đồng tăng rất mạnh so với mức 45.700 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Trong số các DN bất động sản hiện nay, CTCP Bất động sản Phát Đạt và CTCP Netland có mức vay nợ tăng chóng mặt. Chẳng hạn như Phát Đạt, theo báo cáo tài chính đến cuối tháng 6/2018, tổng lượng nợ phải trả của DN này tăng 1.700% từ mức 47 tỷ đồng (cuối 2017) lên mức 888 tỷ đồng. Mức nợ vay của Netland cũng tăng trên 1.300% từ mức 1.600 tỷ đồng (cuối 2017) lên mức 23.250 tỷ đồng.
Ở ngành thủy sản diễn biến cũng không mấy khác biệt. Các đại gia ngành tôm và cá tra như CTCP Minh Phú, CTCP Hùng Vương đều đang chìm ngập trong các khoản nợ phải trả. Theo đó, tính đến cuối quý II/2018, tổng tài sản của Minh Phú đạt trên 10.500 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cũng chạm ngưỡng gần 7.300 tỷ đồng (bằng 70%).
Cổ phiếu MPC của Minh Phú liên tục sụt giảm, cộng với áp lực tồn kho và gia tăng tỷ trọng nợ vay ngắn hạn, DN này từ cuối năm 2017 đến nay hầu như làm chỉ đủ trả nợ và đối diện nguy cơ thua lỗ.
Trong khi đó, Công ty Hùng Vương tình hình cũng không sáng sủa hơn. Đến cuối tháng 6/2018 DN này mặc dù huy động được nguồn vốn khá lớn từ việc bán các công ty con và thanh lý các dự án bất động sản nhưng số nợ phải trả vẫn ở mức gần 3.700 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế của Hùng Vương hiện vẫn ghi nhận ở mức 350 tỷ đồng, trong khi cổ phiếu HVG đã rơi xuống vùng trũng (5.000 đồng/cổ phiếu). Điều này cho thấy DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn về tài chính và áp lực trả nợ.
Tự tin thái quá vào đòn bẩy nợ
Theo nghiên cứu của TS. Phạm Quốc Việt - Đại học Tài chính Marketing, trong bối cảnh tổng nợ vay của các DN niêm yết tăng 7% từ đầu năm tới nay thì việc cảnh báo đối với thái độ tự tin thái quá của nhà quản trị vào đòn bẩy nợ và cấu trúc vốn là có thể đặt ra để phòng ngừa rủi ro kiệt quệ tài chính.
Ông Việt cho rằng, xu hướng tự tin thái quá vào đòn bẩy nợ của DN tại Việt Nam đã diễn ra trong suốt giai đoạn 5-7 năm gần đây và đang có xu hướng tăng lên. Những thống kê giai đoạn 2010-2016 (thực hiện tại hơn 300 DN) cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả bình quân của các DN luôn ở mức trên 50% tổng tài sản. Nhưng hiện nay mức này ở nhóm các DN niêm yết nhiều ngành hàng đã lên tới 60-75%.
Khi nhà quản trị tự tin thái quá vào đòn bẩy nợ dễ dẫn tới việc các DN gia tăng vay nợ ngắn hạn. Thực tế trong số hơn 600.000 tỷ đồng nợ vay hiện nay, tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm hơn 330.000 tỷ đồng. Mức này đã cao hơn so với giai đoạn trước và kéo theo độ rủi ro ngắn hạn trong từng năm tài chính gia tăng. Lợi nhuận, cổ tức và thu nhập của cổ đông biến động sẽ dễ dẫn đến các bất ổn dòng tiền, tăng nguy cơ kiệt quệ tài chính.
Trong khi đó, ở góc độ thị trường, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng với thực tế vay mượn của DN niêm yết như hiện nay, các TCTD cần hết sức thận trọng trong việc gia tăng dòng tín dụng vào nhóm các DN có tỷ lệ vay nợ quá lớn so với tổng tài sản.
Ở lĩnh vực bất động sản, hiện nay diễn biến tài trợ vốn của các NHTM đã có sự thận trọng. Lãi suất cho vay chủ đầu tư đã tăng khoảng 0,5% so với thời điểm đầu năm và có thể đạt mức tăng 1% vào các tháng cuối năm 2018. Như vậy, chi phí vay vốn của các DN tuy không tăng mạnh nhưng áp lực rủi ro về tỷ giá (đối với các khoản vay ngoại tệ) và áp lực từ các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành có lãi suất thả nổi cũng sẽ tác động tiêu cực đến dòng tiền và tài chính của các DN niêm yết.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay nhiều NHTM như Vietcombank, VietinBank, HDBank, ACB… vẫn còn dư địa để đẩy mạnh cho vay lĩnh vực bất động sản. Nếu không cẩn trọng cân nhắc thì rất dễ dẫn tới nguy cơ nợ quá hạn gia tăng vào các tháng cuối năm.