Để hội nhập cần đòn bẩy tài chính
Thị trường tài chính và thách thức hội nhập | |
Nâng chất nguồn nhân lực để hội nhập | |
Thị trường hơn và tự do hơn |
Thất thế trước cạnh tranh
Khi chúng ta mở cửa thị trường nghĩa là không còn lý do nào để ngăn cản hàng hoá từ các nước lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Họ cũng sẽ vào Việt Nam với tốc độ rất nhanh và mạnh. Như vậy, sức ép cạnh tranh dành cho các DN nhỏ bé của Việt Nam sẽ tăng lên gấp bội. Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đặt vấn đề như vậy tại một hội thảo kinh tế tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 3/3.
Thực tế, nếu tính từ ngày 20/12/2015, khi Hiệp định thương mại dự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, cho đến hết tháng 2/2016, tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc đã đạt 17-18%. DN Hàn Quốc cũng đã tận dụng cơ hội đầu tư rất nhanh, mạnh và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh ăn uống cho đến các dự án công nghiệp, sản xuất hàng phụ trợ…
Ngược lại, các DN tư nhân Việt Nam được đánh giá cao về nỗ lực vượt lên trong kinh doanh, sự năng động vượt qua khó khăn và tận dụng cơ hội… nhưng trong thời gian qua vẫn chưa thoát khỏi những hạn chế cố hữu về trình độ quản trị, vốn… dẫn đến một sự rụt rè nhất định trong mở rộng đầu tư ra bên ngoài, chưa tận dụng các cơ hội đầu tư mở ra từ VKFTA. Số lượng các DN đầu tư ra nước ngoài hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nhu cầu về những giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các DN trong nước là rất cấp thiết |
“Tôi đã từng có 3 năm làm việc tại thủ đô Bruxelles (Bỉ) - quốc gia được ví như trái tim của châu Âu, nơi mà có rất nhiều tập đoàn, DN mở văn phòng để làm bàn đạp tiến vào thị trường EU - và mặc dù tôi đã rất nỗ lực thúc đẩy, kết nối để các DN nước ta tiến hành đầu tư, nhưng đến khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài vẫn không có dự án nào thành công”, ông Vũ Bá Phú kể lại.
Chưa thắng được trên sân khách, nhưng ngay tại sân nhà các DN nước ta cũng gặp không ít thách thức. Sau khi gia nhập WTO, Chính phủ cũng đã có một lộ trình để mở cửa thị trường phân phối, dịch vụ cho các NĐT nước ngoài và điều này cũng là để chuẩn bị cho các DN trong nước thích nghi. Đã gần 10 năm trôi qua, khả năng cạnh tranh của các DN trong nước vẫn còn hạn chế. Thị trường phân phối hiện nay đã xuất hiện nhiều NĐT nước ngoài nắm giữ.
Với sức ép cạnh tranh gia tăng từng ngày, các DN sẽ không có nhiều thời gian để xoay xở, vì họ chưa kịp lớn đã có thể chết yểu hoặc bị thâu tóm. Nhu cầu về những giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các DN trong nước là rất cấp thiết.
Vốn sẽ vào kênh hiệu quả
Những thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ, nhân sự, chất lượng quản trị… đều dẫn đến một nền tảng quan trọng để có thể cải thiện tình thế hiện nay trong tương lai - vốn. Nguồn vốn từ phía ngân hàng hay từ thị trường chứng khoán lúc này không chỉ đóng vai trò tài trợ, cấp tín dụng cho DN mà trở thành đòn bẩy để giúp DN vững bước trên con đường hội nhập, đặc biệt là trong năm 2016 này.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay không đơn giản. Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định: Năm 2016, thị trường tài chính quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô các quốc gia. Kinh tế toàn cầu phát triển không đồng đều, lệch pha dẫn đến chính sách kinh tế vĩ mô không nhất quán, thậm chí trái chiều, gây ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tiềm ẩn những bất ổn.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc các thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu trong 2 tháng đầu năm 2016, bị chi phối ngày càng nhiều hơn bởi diễn biến nền kinh tế Trung Quốc, và một số quốc gia khác...
Trong khi đó, thu ngân sách sẽ gặp nhiều thách thức dẫn đến nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp sẽ cao hơn, có thể đẩy lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng và tác động đến mặt bằng lãi suất chung.
Thực tế trong năm 2015, mặc dù lãi suất của các TCTD giảm nhẹ, nhưng một số đợt huy động trái phiếu không thành công đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng khoảng 0,6%, tạo áp lực lên mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong dài hạn. Một số báo cáo phân tích của các tổ chức uy tín cũng nhận định, các nhân tố có khả năng làm tăng lãi suất trong năm 2016 tại Việt Nam là lạm phát kỳ vọng, nhu cầu tín dụng, và nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ đều tăng.
Thách thức đặt ra đối với điều hành ổn định lãi suất, qua đó giúp cho DN có được nguồn vốn với chi phí tốt nhất để sản xuất kinh doanh, là rất lớn. Chính sách tiền tệ sẽ phải điều tiết hài hoà, vừa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất, vừa phải đảm bảo hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các TCTD đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, không để lợi suất trái phiếu Chính phủ lên quá cao.
Về phía điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục kiên định, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để thực hiện linh hoạt việc bơm - hút tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các kênh khác, nhằm điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn vào nền kinh tế; đồng thời cũng kiểm soát lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ có những giải pháp và công cụ điều hành mới về cung ứng tiền để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Bối cảnh hiện nay và những phân tích trên đều cho thấy, dòng vốn đón cơ hội từ hội nhập vẫn sẽ sẵn sàng, nhưng không dễ dàng để tiếp cận nếu không thực sự được hướng vào dòng chảy đổi mới, để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất, chất lượng và hiệu quả…
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen: DN hiện giờ cũng không thể yêu cầu được bảo hộ như xưa. Vì vậy, họ sẽ phải chứng tỏ được năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm, mức độ ảnh hưởng, lòng tin đối với người tiêu dùng... Hội nhập là cuộc chơi sòng phẳng, toàn cầu, các DN Việt Nam trước nhất phải thắng tại thị trường trong nước, sau đó mới tính đến thắng trong khu vực, trên thị trường quốc tế. Nghĩa là, ngoài những giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước, các DN sẽ phải tự giải quyết các thách thức của mình… |