Bảo tồn di sản hướng đến tương lai
Di sản văn minh chung Việt-Ấn
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn và 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại Ấn Độ - ASEAN, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP. Đà Nẵng và Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) tổ chức tọa đàm “Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ”, với sự tham dự của ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo TP. Đà Nẵng cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước.
Tọa đàm “Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ” tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng |
Nội dung buổi tọa đàm nhằm tập trung làm sáng tỏ những gạch nối liên kết trong quá khứ giữa hai dân tộc, những nỗ lực để bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa còn tồn tại đến hôm nay và mở ra những cơ hội tìm hiểu, hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy các di sản văn minh chung giữa hai quốc gia cũng như phát triển du lịch giữa hai nước.
Theo thống kê của Bộ Du lịch Ấn Độ, giai đoạn 2005-2015, khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài tăng 2,5 lần từ 7,2 triệu lượt năm 2005 lên 20,4 triệu lượt năm 2015 với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm. Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, từ 33 nghìn lượt năm 2010 lên 85 nghìn lượt năm 2016, trung bình đạt 17%/năm giai đoạn 2010-2016.
Tính riêng trong năm 2016, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng 30% so với năm 2015. Tuy nhiên năm 2016, khách Ấn Độ đến Việt Nam mới chiếm tỷ trọng khoảng 3% trong số 3 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch các nước ASEAN.
Tham dự buổi tọa đàm, ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã đánh giá cao các tham luận, đồng thời hy vọng cuộc tọa đàm sẽ kích thích các nghiên cứu và cách tiếp cận mới để hiểu rõ hơn và góp phần bảo tồn di sản văn hóa chung của hai nước tại Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc Chăm, các văn khắc tiếng Sanskrit, tiếng Chăm cổ cùng các di sản văn hóa hữu hình khác như bản thảo và sách cổ.
Mối liên hệ văn hóa
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua tham luận “Phật giáo - Cầu nối trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ” đã nhấn mạnh đến các di tích Phật giáo tiêu biểu tại cả ba miền của Việt Nam ngày nay. Đó là di tích chùa Phật tích ở miền Bắc, di tích Phật viện Đồng Dương ở miền Trung và các hiện vật Phật giáo tại các di tích văn hóa Óc Eo tại miền Nam. Tất cả đều thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử thông qua văn hóa Phật giáo.
Trong khi đó, TS. Rakesh Tewari, nguyên Tổng giám đốc Viện khảo sát khảo cổ Ấn Độ, giới thiệu chuyên sâu về kiến trúc đền tháp Ấn Độ và so sánh đối chiếu với kiến trúc đền tháp Champa. Đặc biệt, khác với nhận thức thông thường là kiến trúc tháp Champa chịu ảnh hưởng kiến trúc của đền tháp Ấn Độ.
Ông đã nêu giả thiết về sự tác động ngược lại đến kiến trúc đền tháp Ấn Độ từ nghệ thuật kiến trúc của các vùng ven biển Đông Nam Á, trong đó có Champa, thể hiện ở các tháp có mái hình thuyền. Cùng chung nhận định này, GS-TS. Anupa Pande và GS-TS. Tanveer Nasreen trong các tham luận chuyên sâu nêu rõ, sự giống nhau ở các tác phẩm điêu khắc Champa và Ấn Độ là kết quả của một sự tiếp xúc văn hóa ở mức độ lý luận chứ không chỉ dừng lại ở sự mô phỏng hời hợt.
Phó GS-TS. Thành Phần, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ không chỉ thể hiện ở các di tích kiến trúc, điêu khắc Phật giáo và kiến trúc, điêu khắc Champa mà còn được bảo tồn trong đời sống hàng ngày của cộng đồng đồng bào Chăm ở Việt Nam ngày nay thông qua đời sống tín ngưỡng và chữ viết. Đặc biệt về các di sản văn khắc và chữ viết, ông cảnh báo về nguy cơ mai một chữ Phạn và chữ Chăm cổ.
Đồng thời, ông đề xuất: Để phát huy giá trị di sản văn minh Ấn Độ trong đời sống đồng bào Chăm một cách có hiệu quả, chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu và dự án bảo tồn cụ thể, mang tính thiết thực, đi vào trong cuộc sống của đồng bào Chăm thì mới bền vững và đáp ứng nhu cầu thực tiễn cấp bách hiện nay.
Cũng với tinh thần trên, các giải pháp về bảo tồn và nghiên cứu di sản văn minh Ấn Độ nói chung và chữ viết Sanskrit và chữ Chăm cổ đã được TS. Amarjiva Lochan, Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ chia sẻ việc bảo tồn các di sản không chỉ được đặt ra thuần túy với mục đích văn hóa, tín ngưỡng mà còn hướng đến những giá trị kinh tế và đem lại những lợi ích cụ thể trong đời sống của cộng đồng.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cũng là người gắn bó trong nhiều thập kỷ với khảo cổ học tại Quảng Nam và Đà Nẵng cho biết: Những ý kiến tham luận là rất hữu ích cho việc bảo quản, trùng tu các di tích Chăm hiện nay ở Việt Nam cũng như việc triển khai các dự án mới do Chính phủ Ấn Độ tài trợ đang tiến hành tại di tích Mỹ Sơn của tỉnh Quảng Nam.