Bất cập xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là giải pháp tối ưu giúp DN tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Thế nhưng, thực tế cho thấy hiện phần lớn DN lại không mặn mà với quyền SHTT, thậm chí còn bất hợp tác với cơ quan chức năng khi có sự cố.
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng các cơ quan chức năng xử lý hơn 3.660 vụ hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại… Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, trong đó số vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ… chiếm trên 65% tổng số vụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi trong “tảng băng chìm”.
Điều này cho thấy việc vi phạm SHTT, bản quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, công nghệ, tên thương hiệu… diễn ra khá phức tạp trên địa bàn. Đặc biệt, vi phạm SHTT ngày càng tinh vi. Những thương hiệu nổi tiếng đều có tem chống hàng giả, thế nhưng không ít trường hợp tem chống giả cũng bị các đối tượng… làm giả.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Chi nhánh CTCP Nam Việt Úc, do có hành vi “đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu DULUX”. Cơ quan chức năng đã xử phạt DN này với số tiền 36 triệu đồng.
Trước đó, Công ty Thực phẩm Minh Anh, với thương hiệu rượu Hồng Đào đã gửi đơn đến Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng “kêu cứu”, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho nhãn hiệu hàng hoá đã được DN đăng ký bảo hộ độc quyền. Bởi, sản phẩm rượu Hồng Đào của DN đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền từ tháng 6/2000.
Thế nhưng, trên địa bàn Quảng Nam lại xuất hiện thêm một nhãn hiệu tương tự cũng mang tên rượu Hồng Đào của một DN khác; hay chuyện sản phẩm may mặc Việt Tiến bị làm giả, làm nhái và bày bán tràn lan trên đường phố Đà Nẵng…
Vấn nạn vi phạm SHTT diễn ra khá phức tạp, tinh vi song để ngăn chặn lại đang gặp khó đủ đường, trước hết chính là ý thức bảo vệ thương hiệu của DN. Nhiều DN hầu như thờ ơ với sản phẩm của mình khi bị làm giả, làm nhái.
Cũng theo ông Nguyễn Nho Hậu, thì mỗi khi kiểm tra, kiểm soát thị trường phát hiện có dấu hiệu làm giả, làm nhái sản phẩm, Chi cục đều thông báo cho DN để phối hợp, song có một số DN lại sợ uy tín bị sụt giảm, nên không hợp tác. Nhiều DN có tâm lý e dè khi phối hợp với cơ quan chức năng, chủ yếu tự tìm cách xử lý khi sản phẩm hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái.
Trong số nhiều vụ xâm phạm SHTT được lực lượng quản lý thị trường xử lý từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ có duy nhất một vụ việc đang bị khởi tố. Điều này lý giải vì sao trên thực tế hành vi xâm phạm nhãn hiệu ngày càng phổ biến, lan rộng.
Ngoài ý thức DN, các biện pháp xử lý vi phạm về SHTT của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với vi phạm SHTT của DN 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng. Do mức phạt được “khống chế” theo mức trần, nên tác dụng ngăn ngừa vi phạm rất thấp. Ngoài ra, hiện cũng có nhiều cơ quan tham gia xử lý vi phạm quyền SHTT: hải quan, quản lý thị trường, công an, tòa án...
Mặc dù, thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo trong khâu xử lý vi phạm SHTT. Điều này khiến DN lúng túng, ngần ngại khi liên hệ để bảo vệ quyền SHTT.
Chưa hết, khâu kiểm tra, khiếu nại, xét xử ở tòa án đối với tội phạm hàng giả, hàng nhái rất nhiêu khê mất thời gian... nên DN thường yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp hành chính. Chỉ khi nào việc xâm phạm SHTT xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sống còn thì DN mới chịu đưa ra toà án để thụ lý…
DN thiếu ý thức, chế tài xử phạt không đủ mức răn đe, bất cập về quy chế phối hợp… khiến “cuộc chiến” chống vi phạm SHTT còn lắm gian nan. Xử phạt không nghiêm, một số đối tượng còn ngang nhiên vi phạm SHTT, gây thiệt thòi cho DN làm ăn chân chính lẫn người tiêu dùng, ngân sách Nhà nước thất thu…
Để đấu tranh ngăn chặn vi phạm SHTT, trong bối cảnh nền kinh tế mở như hiện nay, DN phải tự xác lập uy tín, thương hiệu của mình mới cạnh tranh được trên thị trường. Trong đó, đăng ký quyền SHTT, là giải pháp tối ưu giúp DN tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan như hiện nay…
Về phía cơ quan chức năng cần có biện pháp “mạnh tay” hơn với vấn nạn này. Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, xử phạt vấn nạn này nên được nâng cao hơn so với quy định như hiện hành. Tiền phạt nên tính theo tỷ lệ với mức độ vi phạm, thiệt hại gây ra.
Cũng cần bỏ quy định xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm SHTT nói chung và nhãn hiệu nói riêng, bởi biện pháp này không có tính răn đe, người vi phạm dễ “nhờn thuốc”.