Bất chấp căng thẳng thương mại, Trung Quốc gia tăng xuất siêu sang Mỹ
Donald Trump: Đàm phán với Trung Quốc đã bắt đầu thông qua điện đàm | |
Chủ tịch Fed Powell: Không có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc cắt giảm lãi suất |
Một nhân viên tại cảng làm việc trước một tàu container tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images |
Theo báo cáo của cơ quan hải quan Trung Quốc được công bố vào hôm nay, kim ngạch xuất khẩu tính theo USD tháng 6/2019 của Trung Quốc đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu giảm 7,3%.
Mức giảm nói trên là thấp hơn so với các dự báo đưa ra trước đó. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters mới đây đã đưa ra dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc tháng 6 giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 4,5%.
“Xuất khẩu tháng trước của Trung Quốc đã giảm do tác động từ việc tăng thuế của Mỹ và nhu cầu toàn cầu giảm”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết. “Nhập khẩu cũng bị suy yếu sau sự suy giảm cầu trong nước”.
Trong tháng Năm, xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại chỉ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%, dẫn tới xuất siêu tổng cộng 41,65 tỷ USD trong tháng.
Trong khi đó, thặng dư thương mại tổng thể trong tháng 6 là 50,98 tỷ USD, cao hơn so với các nhà kinh tế kỳ vọng là 44,65 tỷ USD, đưa ra tại cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.
Theo đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 29,92 tỷ USD trong tháng 6, tăng từ 26,89 USD trong tháng 5, theo dữ liệu hải quan.
Đáng chú ý, trong bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có lối thoát rõ ràng nhưng nửa đầu năm 2019, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lên tới 140,48 tỷ USD, cao hơn 133,76 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018.
Trong khi, tháng 6 là tháng đầy đủ đầu tiên mức thuế quan tăng thêm của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được thực hiện.
Dữ liệu thặng dư thương mại với Mỹ gia tăng sức ép lên triển vọng thương mại của Trung Quốc nhưng tác động của nó là có thể kiểm soát được, người phát ngôn hải quan nói với Reuters.
Dữ liệu thương mại từ Bắc Kinh được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản rằng trong thời gian tới, họ sẽ không áp dụng bất kỳ mức thuế nào thêm lên nhau.
Tuy nhiên, hai gã khổng lồ kinh tế vẫn bế tắc trong việc đi đến một thỏa thuận để hóa giải tranh chấp thương mại, dẫn đến lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Sức ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại dường như đang dẫn rõ hơn tại các cảng của Mỹ. Tổ hợp cảng Los Angeles và Long Beach ở Mỹ, vốn hoạt động nhộn nhiệp nhất nước này để phục vụ hợp đồng giao thương với Trung Quốc, đã giảm 5,1% số container phải làm hàng vào tháng 6, theo Reuters.
Dữ liệu từ các nơi khác trên thế giới cũng không đáng khích lệ. Cũng hôm nay, Singapore - một trung tâm thương mại và cũng là nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế - đã báo cáo rằng dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP của nước này đã giảm 3,4% trong quý II, mức giảm theo quý lớn nhất trong gần bảy năm qua.
“Những thách thức đối với hoạt động thương mại có khả năng gia tăng trong các quý tới”, Evans-Pritchard dự đoán. “Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu khó có thể chạm đáy cho đến năm 2020”.
“Và trong khi thỏa thuận hoãn đánh thuế lẫn nhau đạt được giữa Trump và Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng trước đã loại bỏ mối đe dọa ngay lập tức về thuế quan của Mỹ, các phân tích cơ bản của chúng tôi vẫn chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ bị phá vỡ một lần nữa”, Evans Pritchard nói thêm.