Bất thường CPI tháng Tám
Thấy gì qua chỉ số giá tiêu dùng | |
Khó nhưng vẫn làm được nếu quyết tâm |
Đầu tuần này, Tổng cục Thống kê đã công bố bản báo cáo tháng 8/2017, trong đó đề cập đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng. Một trong những con số gây “sốc” nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng tới 0,92% so với tháng trước. Sở dĩ đó là con số gây sốc vì nó cao bất thường. Đây là mức tăng cao nhất của CPI theo tháng kể từ tháng 2/2015 trở lại đây. Còn nếu so với tháng 8 các năm thì đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2012.
Mức tăng cao đột biến của CPI tháng 8 năm nay càng đáng chú ý hơn khi diễn ra trong bối cảnh sản xuất tiếp tục phát triển, nhìn thấy được cả trong dữ liệu về sản xuất công nghiệp cũng như ở các ngành dịch vụ. Trong khi đó, cầu tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho các ngành sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Nhìn cả phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, không thấy xuất hiện các nhân tố vĩ mô khác thay đổi bất thường.
Ảnh minh họa |
Liên quan trực tiếp đến lạm phát, thực tế chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt và “thận trọng”. Lạm phát cơ bản tháng 8/2017, theo Tổng cục Thống kê, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Đây là các mức tăng khá thấp so với giai đoạn trước.
Vậy, nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng mạnh đến từ đâu? Có ba góc độ tác động đến lạm phát nổi lên trong diễn biến giá cả tháng này: thay đổi chính sách giá một số dịch vụ Nhà nước còn quản lý; tác động từ thị trường thế giới; và yếu tố mùa vụ.
Với nhóm nguyên nhân thứ nhất, dịch vụ y tế và giáo dục là các nhân tố có tác động đến lạm phát tháng này. Cụ thể, CPI nhóm thuốc và dịch vụ y tế thậm chí còn là nhóm tăng cao nhất với 2,86% (dịch vụ y tế tăng 3,72%). Lý do là trong tháng có 17 tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương thực hiện điều chỉnh tănggiá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo Thông tưsố 02/2017/TT-BYT, tác động làm CPI tăng khoảng 0,14%.CPI nhóm giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,51%). Nguyên do là trong tháng có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Ở nhóm nguyên nhân do tác động từ thị trường thế giới, dễ nhận thấy là các tác động đến từ điều chỉnh giá xăng, dầu, gas trong tháng qua. Với việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm 4/8/2017 và 19/8/2017, CPI nhóm giao thông tăng 2,13% trong tháng qua, tác động làm CPI tăng khoảng 0,2%. Riêng việc mặt hàng dầu hỏa và gas tăng giá góp phần tác động tới CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%.
Nhóm nguyên nhân thứ ba - yếu tố mùa vụ - việc một số trường bắt đầu đón học sinh trở lại trường cũng đẩy giá cả một số mặt hàng như may mặc, giày dép tăng lên, tác động đến CPI. Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng khác là giá thịt lợn tăng cũng tác động đến CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống...
Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 8 là bất thường, bởi có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến giá cả cùng xuất hiện. Chính vì vậy, đây vẫn là chỉ tiêu cần được quan tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới. Các bản báo cáo phát đi từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia những tháng gần đây cũng luôn khẳng định xu hướng lạm phát dài hạn vẫn tăng. Mặc dù vậy, không có dự báo nào cho rằng CPI bình quân cả năm 2017 sẽ vượt qua chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là tăng 4% (bình quân 8 tháng năm 2017 chỉ còn tăng 3,84%, tiếp tục trong xu thế giảm).
Thêm nữa, đằng sau sự đột biến CPI tháng này cũng cần lưu ý đến tác động của nó đối với đối tượng thu nhập thấp, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi giá cả tăng cao.