Khó nhưng vẫn làm được nếu quyết tâm
Thận trọng với tăng trưởng tín dụng | |
Quý 2 khởi sắc kéo GDP 6 tháng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước | |
Lựa chọn nào cho tăng trưởng? |
“Tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở mức 6% và cũng không nên và cũng không cần đẩy tăng trưởng bằng cách khai thác thêm dầu, tăng xuất khẩu khoáng sản…”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh như vậy khi bàn về tăng trưởng.
Phải sâu sát hơn với vấn đề tái cơ cấu DNNN thay vì không làm không sao cả |
Ôm rất nhiều tiền vẫn luôn thiếu tiền
Ông Cung khẳng định, nếu làm đúng thì Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 8-9% nhưng liệu “có quyết tâm làm hay không”. Cách làm đúng và dư địa để tạo nguồn lực cho tăng trưởng 8-9% mà ông Cung nói đến chính là quyết liệt CPH, cải cách và nâng cao hiệu quả DNNN, đây chính là những việc đã được xác định, đã làm và không khó làm. Và chỉ cần nâng thêm 1 điểm % của DNNN có thể tăng thêm 3-4 tỷ USD. Nếu khu vực kinh tế Nhà nước đạt được mức tăng trưởng 4% là có thêm được ít nhất là 12 tỷ USD.
Bên cạnh đó, với số cổ phiếu của DNNN giao dịch trên thị trường chứng khoán chiếm khoảng 9% GDP, chỉ cần đẩy mức giao dịch lên 15%, bắt buộc các DN đã CPH phải lên sàn sau 12 tháng như quy định và bán hết vốn tại các DN này (trừ lĩnh vực ngân hàng) thì mỗi năm có khoảng 11-12 tỷ USD. Giải pháp này vừa không mất thời gian định giá DN, không lo bán tài sản Nhà nước dưới giá thành... như những vướng mắc cố hữu của quá trình CPH DNNN và có thể thu được hiệu quả ngay.
“Chúng ta luôn thiếu tiền trong khi có một đống tiền. Thực hiện các giải pháp này là có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như xây sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc và quan trọng là có thể có tăng trưởng GDP 8% - 9%”, theo ông Cung.
Và còn một khoản tiền rất lớn nữa theo tính toán của CIEM. Đó là thực hiện CPH 240 DNNN theo đúng kế hoạch từ nay đến năm 2020, thoái hết vốn Nhà nước (trừ vốn Nhà nước tại các NHTM), sẽ thu về được 300.000 tỷ đồng.
Bà Phạm Chi Lan thì e ngại: Đây là nguồn lực rất lớn nhưng chưa chắc đã trở nên hiệu quả nếu không có sự thay đổi trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các DNNN. Nếu 300.000 tỷ này thu về mà lại đầu tư tiếp cho DNNN thì chả thay đổi được gì mà sẽ đầy rủi ro. Bà chỉ ra rằng suốt 10 năm CPH và thoái vốn, số vốn giảm đi của DNNN không bằng số DNNN được đầu tư thêm. Hơn nữa, vốn Nhà nước rút ra khỏi DN này lại được đầu tư trở lại cho DNNN khác mà không đưa vào thị trường.
Tái cơ cấu một hồi, CPH vài trăm DN nhưng chỉ bán vốn 8%, còn lại Nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán nguồn lực hiếm hoi của Nhà nước phải được sử dụng hiệu quả. Như vậy nguồn lực vẫn không được phân bổ lại như bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực. Như vậy mục đích của tái cơ cấu DNNN là tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước cũng không đạt được vì nguồn lực vẫn đổ vào khu vực kém hiệu quả là DNNN.
Phải sâu sát hơn với tái cơ cấu DNNN
Trong khi đang CPH, thoái vốn để giảm vốn Nhà nước tại DN, thì một số DN CPH lại phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn vậy là DN có vốn Nhà nước lại phình to sau CPH.
“Nếu quá trình tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh, hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn sẽ được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mục tiêu đề ra. Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu DNNN thì tăng trưởng 6%-7% cũng là rất khó khăn”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho rằng: trong các năm 2011-2015 đã CPH được 508 DN, nhưng lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các DN sau CPH vẫn rất cao. Trong 128 DN đã IPO năm 2015, đến nay Nhà nước vẫn giữ khoảng 81% vốn điều lệ. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 còn khoảng 103 DN 100% vốn Nhà nước, trong đó 28 DNNN trực thuộc các bộ, ngành Trung ương, 70 DN trực thuộc địa phương.
Hiện số DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vẫn nhiều và quy mô quá lớn như các DNNN trong lĩnh vực truyền tải điện, thủy điện, điều độ điện… có tổng vốn trên 182.000 tỷ đồng; xổ số kiến thiết 10.600 tỷ đồng; tín dụng chính sách 62.200 tỷ đồng; lĩnh vực khác khoảng 292.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy dư địa thoái vốn Nhà nước khỏi các tập đoàn, tổng công ty sau năm 2020 vẫn còn rộng.
Và gánh nặng DNNN đang rất lớn và khiến nền kinh tế dần tụt hậu. Theo CIEM năm 2015 có đến 20% tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế, nhiều rủi ro và không tự chủ được về tài chính. Đóng góp ngân sách của khu vực Nhà nước giảm xuống còn 28%, chỉ số ICOR cao hơn 1,3 lần so với mức chung của toàn nền kinh tế, nợ nước ngoài của khu vực DNNN cũng rất lớn. Quá trình tái cơ cấu DNNN phải rút ít nhất trên 50% vốn Nhà nước tại các DN để đầu tư, phân bổ lại cho thị trường.
Nhưng CPH, thoái vốn vẫn rất chậm và nguyên nhân chính là do người đứng đầu các DN đang vì nhiều lý do e ngại, sợ trách nhiệm hoặc cố trì kéo. “Vấn đề này thực sự khó nhưng có thể làm được ngay nếu thực sự quyết tâm và có ai đó nhận trách nhiệm. Chỉ cần xử lý được một vài vụ việc, niềm tin trong xã hội sẽ trở lại, tạo được hứng khởi trong dân chúng vì người dân đang rất kỳ vọng vào một sự thay đổi. Cơ hội là rất lớn”, ông Cung nhấn mạnh.
Phải sát phạt hơn với vấn đề tái cơ cấu DNNN thay vì không làm không sao cả, thay vì làm là sợ sai, không làm không sai như hiện nay. Tái cơ cấu DNNN thực sự, thực chất sẽ lấy lại niềm tin của công chúng rất lớn, sự hứng khởi trong xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.