Thấy gì qua chỉ số giá tiêu dùng
Khó nhưng vẫn làm được nếu quyết tâm | |
Các TCTD kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,26% | |
CPI giảm- một tín hiệu cảnh báo |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được tính toán trên cơ sở xác định danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân. Đồng thời xác định quyền số (nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa chung tính CPI) cố định tương ứng với các nhóm hàng hóa và dịch vụ đại diện. Vì vậy, đây là một chỉ tiêu tương đối phản ánh xu thế và mức độ biến động về giá cả bán lẻ theo thời gian của các loại hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ sinh hoạt hàng ngày trong đời sống dân cư và các hộ gia đình.
Khi CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình tăng và ngược lại. Sự tăng giảm của CPI ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Do vậy chỉ số này được xã hội rất quan tâm. Các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô mà trực tiếp là NHTW có trách nhiệm đảm bảo giữ ổn định mức giá trung bình để đời sống người dân không bị ảnh hưởng do giá cả tăng.
Ảnh minh họa |
Vấn đề đặt ra ở đây là để đảm bảo chỉ số này phản ánh tương đối chính xác sự biến động mức giá chung, thì việc chọn nhóm hàng đại diện và quyền số là rất quan trọng. Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê cứ 5 năm khảo sát để điều chỉnh quyền số, chọn nhóm hàng đại diện cho phù hợp cơ cấu chi tiêu của dân cư. Đầu năm 2016 Tổng cục Thống kê công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, thay cho danh mục hàng hóa, dịch vụ và quyền số giai đoạn 2009-2014. Quyền số và danh mục hàng hóa đại diện lần này có sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2009-2014. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thu nhập của người dân ngày càng tăng, theo đó cơ cấu chi tiêu của người dân thay đổi nhanh chóng.
Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6/2017 nền kinh tế khởi sắc, thu nhập người dân tăng cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn cùng với sự phát triển nhanh của mạng lưới bán lẻ, sự phát triển nhanh chóng về tài chính tiêu dùng, nhu cầu du lịch tăng mạnh so với năm 2014. Nhất là những thay đổi về giá hàng hóa và dịch vụ y tế từ năm 2016 và 2017 cùng với giá dịch vụ tăng mạnh trong năm 2017. Điều này ảnh hưởng không ít đến cơ cấu chi tiêu trong thu nhập và nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Trên thế giới, nhiều nước đã rút ngắn thời gian khảo sát cơ cấu chi tiêu của người dân khoảng 2 năm một lần, thời gian khảo sát và công bố chỉ trong vòng 1 năm. Trong khi ở Việt Nam thời gian tiến hành khảo sát và công bố kết quả là 2 năm. Chẳng hạn quyền số và nhóm hàng đại diện cho giai đoạn 2016-2020 là kết quả của đợt khảo sát từ năm 2014. Ví dụ: nhóm lương thực thực phẩm có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI có mức giá tăng thấp. Nhưng thực tế người dân ngày nay lại không chi tiêu nhiều vào đồ ăn thức uống so với các chi phí khác có mức tăng cao như cho con đi học, du lịch…
Mặc dù chỉ số CPI chỉ mang tính tương đối, song mức độ chính xác về quyền số và nhóm hàng đại diện rất có ý nghĩa trong phản ánh đời sống của người dân. Vì vậy, Tổng cục Thống kê nên rút ngắn hơn thời gian khoảng cách giữa hai đợt khảo sát, cũng như rút ngắn thời gian khảo sát và công bố kết quả như một số nước trên thế giới. Không nên quy định cứng là 5 năm một lần mới tiến hành khảo sát. Nếu khi xuất hiện nhiều nhân tố làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng thì có thể tiến hành khảo sát để đảm bảo nhóm hàng hóa đại diện và quyền số của các nhóm hàng hóa này sát với thực tế hơn, phản ánh chính xác hơn xu thế và mức độ biến động về giá cả bán lẻ theo thời gian của dân cư, góp phần vào hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ.