Các đối tượng được thanh toán 100% chi phí BHYT
Ảnh minh họa |
Hỏi: Xin hỏi người tham gia BHYT tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng khi đi đến địa phương khác, không may đau ốm phải đi cấp cứu, khám chữa bệnh tại ngay bệnh viện gần nhất thì có được thanh toán BHYT không?
Người ở các tỉnh khác muốn mua BHYT tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có được không? Tại sao mức đóng BHYT của người dân thì giống nhau nhưng những người ở nông thôn, miền núi, hải đảo khi lên khám, chữa bệnh tại thành phố, tuyến Trung ương lại không được thanh toán 100% BHYT?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính: Người tham gia BHYT tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng khi đi đến địa phương khác, không may đau ốm phải đi cấp cứu, khám chữa bệnh tại bệnh viện gần nhất khi ra viện phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó thì được thanh toán BHYT.
Một số đối tượng như: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ… khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi theo quy định của Luật BHYT.
Đối tượng là người ở nông thôn, miền núi, hải đảo có tham gia BHYT nếu thuộc các đối tượng nêu trên khi lên khám bệnh, chữa bệnh nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, được chuyển tuyến lên các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương thì cũng được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi theo quy định.