Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 1: Thách thức việc làm)
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 3: Vị thế người công nhân Việt) | |
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 2: Hóa giải những tiêu cực) |
Nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ kéo dài 7 năm, các nhà khoa học tại Đại học California-Berkeley (Mỹ) đã chế tạo thành công robot có thể gập khăn mặt. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành công việc này mất đến… 20 phút, trong khi với người bình thường có lẽ mất không quá 5 giây.
Thoảng qua thì điều này có vẻ nực cười. Thậm chí nó cho liên tưởng rằng lo ngại tự động hóa và robot mô phỏng hoạt động của con người, như cách gọi về cuộc Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang được nói đến nhiều hiện nay, sẽ chiếm mất nhiều công việc của nhiều lao động là câu chuyện “lo quá xa”, bởi để 20 phút tiến kịp 5 giây chắc phải mất cả thế kỷ nữa.
Lợi thế nguồn nhân lực lớn rất có thể trở thành lực cản của phát triển |
Nhưng, sự phát triển của công nghệ sẽ không mang tính tuần tự và chậm chạp như vậy. Thực tế đã cho thấy, ngay cả ở những ngành dịch vụ mà máy móc khó có thể thay thế con người thì nay với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, nhiều điều không thể nay đã thành có thể. Taxi, xe buýt không người lái bắt đầu xuất hiện tại các nền kinh tế phát triển… Chưa kể những dây chuyền sản xuất xe hơi, sản xuất sợi (phục vụ ngành dệt may)… thì ngày càng tiến tới tự động hoàn toàn.
Có một thực tế khác là trong khi cuộc CMCN 4.0, đâu đó vẫn còn rất xa vời với người lao động Việt thì chỉ trong thời gian rất ngắn trở lại đây, rất nhiều công ty đa quốc gia (TNCs) đã tính tới bài toán rút các nhà máy từ các nước đang phát triển và thị trường mới nổi về chính quốc, thay thế người lao động “xương thịt” bằng người máy và các dây chuyền tự động hóa. Nhiều hãng sản xuất lớn như General Electric, Caterpillar hay Ford đã và đang chuyển dần sản xuất từ Trung Quốc trở về nước Mỹ.
Hãng đồ thể thao hàng đầu thế giới Nike cho biết trong tương lai gần sẽ tự động hoá nhiều bộ phận trong sản xuất. Hãng này đã xin bản quyền sáng chế cho ý tưởng xây dựng nhà máy sản xuất giày gần như hoàn toàn tự động tại thành phố Atlanta, Mỹ vào năm 2017.
Nhưng, đối thủ của Nike là Adidas - hãng sản xuất đồ dùng thể thao của Đức - thậm chí còn đi trước một bước khi gần đây cho biết sẽ bắt đầu chiến dịch tiếp thị về những đôi giày được sản xuất bởi các robot trong năm tới.
Hơn 20 năm sau khi Adidas ngừng hoạt động sản xuất tại Đức và di chuyển các cơ sở sản xuất đến các nước châu Á, một “Nhà máy tốc độ” (Speedfactory) của tập đoàn này tại Ansbach, miền nam nước Đức, đang được gấp rút xây dựng.
Có hai lý do chính được các TNCs đưa ra: Thứ nhất là để tiết kiệm chi phí sản xuất (thông qua tiết kiệm chi phí nhân công). Thứ hai là để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa (trong đó có cả yếu tố chống và giảm bớt nguy cơ các sản phẩm bị làm giả, làm nhái) và thời gian hoàn thành đơn hàng luôn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Và nỗi lo thất nghiệp
Nhà máy tự động hóa sản xuất giày của Adidas tại Đức là một ví dụ về cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù xu hướng này mới chỉ rõ nét ở một số ngành như sản xuất giày dép, ô tô, chất bán dẫn, chip máy tính, màn hình… nhưng gần đây cũng bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực khác như hàng nhựa, hóa chất, thực phẩm và kim loại…
Nhưng không chỉ là chuyện robot thay thế con người, nó còn cho thấy sự “co lại” của toàn cầu hóa. Điều này cảnh báo những lợi thế về nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển có thể không còn là lợi thế nữa, mà chuyển thành “nỗi ám ảnh” về thiếu việc làm.
Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải đối mặt với thách thức nêu trên. Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tháng 7 vừa qua cho biết, có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép tại Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ, do cuộc CMCN 4.0 đem lại. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không hề nhỏ, khi các ngành như dệt may, giày dép đang tạo ra nhiều triệu việc làm.
Trong khi đó, quá trình suốt 20 năm qua tiến dần tới thời điểm “dân số vàng”, tổng số lao động tại Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu lao động năm 1996 lên 54 triệu lao động năm 2016.
Lâu nay, đây được xem là một lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, bởi các nước phát triển khác đều đã chuyển qua quá trình suy giảm lao động, chi phí lương cao. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chuyển hóa việc làm từ chỗ dành cho con người sang máy móc, tự động hóa, do CMCN 4.0 mang lại nhanh hơn, thì nguy cơ thất nghiệp cao và có thể bất ổn xã hội là không loại trừ.
Nhất là hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chứ chưa có nhiều nguồn lực để đối phó như các nước đã phát triển. Điều đó cũng hàm nghĩa, lợi thế nguồn nhân lực lớn hiện nay rất có thể vô hình trung trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu những hệ lụy và tác động tiêu cực của CMCN 4.0 không được chủ động hóa giải.