Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 2: Hóa giải những tiêu cực)
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 3: Vị thế người công nhân Việt) | |
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 1: Thách thức việc làm) |
Thách thức dần hiện hữu
Năm 2015, doanh nhân Jonathan Zornow từ bỏ công việc của một nhà phát triển web để đầu tư 10 nghìn USD thành lập Công ty Sewbo. Mục tiêu chính của Jonathan Zornow là thông qua Sewbo phát triển một robot có khả năng cắt, may một chiếc áo sơ mi. Giải pháp là làm cứng vải với hợp chất polymer tan trong nước để giúp cho robot có thể nâng vải và cắt, may dễ dàng.
Dù công nghệ, khả năng cắt, may của một robot như vậy còn giản đơn, khuôn mẫu và chưa thực sự “có hồn” nghệ thuật như một người thợ lành nghề, nhưng Zornow hy vọng trong một tương lai rất ngắn tới đây, robot này sẽ tự thực hiện mọi công đoạn nhuần nhuyễn trong may một chiếc áo sơ mi hoàn chỉnh.
Tác động của CMCN 4.0 được các chuyên gia ngày càng quan tâm |
Đó là một tin vui mới từ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhưng ở góc đó nào đó cũng đang nhân lên thêm quan ngại với những người công nhân may của Việt - những người hiện đang đứng máy 10-12 tiếng mỗi ngày với lương chỉ tương đương 200-300 USD/tháng. Nhưng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đến các DN trong lĩnh vực sản xuất, nhiều chiến lược quan trọng của Việt Nam có nguy cơ “trượt” quỹ đạo phát triển chung của thế giới.
Việt Nam đang đặt ra cho mình mục tiêu đến năm 2035 trở thành Trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. “Tham vọng” rằng nếu đạt được thì sẽ tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Nhưng vấn đề hiện nay là liệu mục tiêu và những lợi ích chúng ta kỳ vọng đó có thực sự đạt được, khi cuộc CMCN 4.0 mang lại những bước ngoặt lớn chỉ trong vòng 5-7 năm tới?
Bởi trên thực tế, diễn tiến mạnh mẽ của CMCN 4.0 cho thấy, tính hấp dẫn bởi lợi thế nhân công giá rẻ, của hội nhập trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể sẽ mất đi nhanh chóng hơn các dự báo đã được đưa ra trước đây. Đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, cơ khí…
Thậm chí, sự chuyển biến nhanh chóng của CMCN 4.0, mà điển hình là tự động hóa trong các ngành sản xuất, có thể ảnh hưởng lớn tới nhiều chiến lược phát triển của Việt Nam, buộc chúng ta phải có những nhìn nhận nghiêm túc và thực tế hơn để điều chỉnh cho phù hợp.
Chẳng hạn như, liệu chiến lược phát triển thị trường lao động, chiến lược phát triển ngành cơ khí… mà chúng ta đặt ra cho những năm tới có còn phù hợp? Hay mục tiêu về chuyển dịch lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới mà các FTA Việt Nam mới ký kết liệu có như kỳ vọng?...
Khi những băn khoăn này được đem hỏi Piaggio, một DN FDI lớn đang hoạt động tại Việt Nam, thì ông Miguel Charneco, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn này cho biết: “Tôi không nhìn thấy tình huống này xảy ra trong tập đoàn Piaggio sớm, bởi vì các sản phẩm của chúng tôi có tính cảm xúc cao và chính vì vậy, việc phải làm bằng bàn tay con người vẫn rất quan trọng”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Piaggio cũng thừa nhận, có một số lĩnh vực sức người có thể sẽ được thay thế bằng máy móc như nó đã xảy ra trong lịch sử phát triển tự nhiên của ngành công nghiệp.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), ông Mark Billington, thì có cái nhìn kém lạc quan hơn. Ông cho rằng: “Nếu xu hướng này (sử dụng robot thay cho người lao động và di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi các nước đang phát triển) xảy ra trên một quy mô lớn thì sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Và, sẽ rất khó khăn để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong tương lai”.
Trong khi đó, báo cáo Triển vọng kinh tế quý III vừa qua của ICAEW chỉ ra rằng, sản lượng sản xuất hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng GDP hiện tại, trong bối cảnh các thách thức phải đối mặt của ngành thủy sản và nông nghiệp.
Phải học để chạy đua
Trong khi cuộc CMCN 4.0 là tất yếu của sự phát triển, các nhà khoa học và giới nghiên cứu cho rằng, con người cần học để chạy đua chứ không phải để chống lại máy móc, tự động hóa. Trong đó về mặt vĩ mô, cần tập trung cho việc nghiên cứu sâu, nhận diện thực chất và dự báo cụ thể về những tác động của CMCN 4.0 đến Việt Nam, qua đó lồng ghép vấn đề này trong các chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút FDI thông qua các công ty đa quốc gia (TNCs) và các chuỗi giá trị.
Nhưng với sự phát triển mạnh của nền sản xuất tự động hóa thì liệu các chuỗi này có đến các nước đang phát triển nữa không, khi nó có thể chỉ tồn tại ngay ở các nước đã phát triển? Mà ngay cả ở các nước đã phát triển thì tự động hóa cũng khiến lao động ở các nước này dư thừa.
Thực tế gần đây đã có những nghiên cứu chỉ ra, khoảng gần 50% lao động phổ thông sẽ bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại Mỹ và Anh. Đây là vấn đề lớn và có thể khiến cách thức hợp tác và toàn cầu hóa thay đổi rất nhiều. “Vậy thì chúng ta cũng cần có dự báo được để có các chính sách phát triển kinh tế cho phù hợp”, ông Vinh nêu quan điểm.
Từ các nghiên cứu và dự báo đó, cần xác định được các ngành nghề, dịch vụ cụ thể (mà Việt Nam có thế mạnh) nhưng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất từ cuộc cách mạng này và các chính sách, giải pháp cần thiết để hạn chế các tác động tiêu cực. Đồng thời, cần chỉ ra những ngành, nghề, dịch vụ mà robot, internet và số hóa chắc chắn sẽ thay thế việc làm của con người trong tương lai để có những bước chuyển dịch và đào tạo lao động kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Miguel Charneco gợi ý thêm: “Do chi phí lao động thấp đang mất dần vị trí của nó như là một lợi thế cạnh tranh, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải xác định xu hướng tiếp theo và quyết định làm thế nào để thích nghi với hệ thống giáo dục và dạy nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế”.
Giải thích cụ thể hơn, theo chuyên gia ICAEW, việc phát triển các dịch vụ và nhân lực tài chính như kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, đầu tư - những lĩnh vực mà tự động hóa khó có thể thay thế chất xám của con người - sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng và góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược để đưa Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn trong việc các TNCs sẽ lựa chọn Việt Nam không chỉ để xây dựng các cơ sở sản xuất (trong ngắn hạn) mà còn đủ hấp dẫn để họ thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây. Điều này đi kèm với yêu cầu về xây dựng các cơ chế hỗ trợ để thu hút, sự chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được các hoạt động R&D ở cấp độ cao…
Thực tế, Việt Nam có tiềm năng và nếu khéo léo khai thác thì việc các TNCs lựa chọn đặt các trung tâm R&D là khả thi. Đơn cử, không chỉ có cơ sở sản xuất xe máy tại Việt Nam mà Piaggio đã đặt một trung tâm R&D tại đây. “Trung tâm R&D này cho phép chúng tôi nắm bắt nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung để đưa vào nghiên cứu, thiết kế ra các sản phẩm mới”, ông Miguel Charneco cho biết.
Vị này cũng cho rằng, các FTA đang tạo điều kiện tốt cho Việt Nam để thu hút đầu tư mới. Nhưng điểm quan trọng là làm thế nào để khuyến khích các DN cỡ vừa cũng đầu tư vào lĩnh vực này, ví dụ như trong ngành phụ tùng xe máy. Các ngành công nghiệp khác cũng cần phát triển khả năng R&D trong nước như các công ty dược phẩm và năng lượng mới…
“Tóm lại, Việt Nam có nhiều lĩnh vực công nghiệp để thu hút đầu tư R&D. Tôi cho rằng, mối quan hệ giữa các trường đại học và các công ty là yếu tố quan trọng, cần phải được thúc đẩy và khuyến khích nhiều hơn nữa. Ngoài ra, việc khuyến khích tài chính từ Chính phủ cũng có thể giúp tăng khả năng và cơ hội cho R&D, thu hút nhiều tài năng cũng như đầu tư trong tương lai”, ông Miguel Charneco nhận định.y
Bài 3: Vị thế người công nhân Việt