Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 3: Vị thế người công nhân Việt)
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 2: Hóa giải những tiêu cực) | |
Cách mạng công nghiệp 4.0: Những tác động đến Việt Nam (Bài 1: Thách thức việc làm) |
TS. Nguyễn Danh Nguyên |
Theo ông, chúng ta có nên lo ngại về việc robot có thể thay thế người lao động, khi có những cảnh báo điều này đang xảy ra nhanh và quy mô lớn hơn so với dự báo?
CMCN 4.0 không chỉ là robot hóa mà còn là cách mạng về áp dụng số hóa, tin học hóa và internet hóa vào hoạt động của các ngành sản xuất và dịch vụ. Điều này có nghĩa là sản phẩm hay dịch vụ của DN phải được sản xuất hay cung ứng dịch vụ nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu riêng biệt (cá nhân hóa) của khách hàng. Từ đó, đòi hỏi DN phải áp dụng máy móc thiết bị tự động nhiều hơn (robot) và kết nối trực tuyến (online) với khách hàng để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, kể cả khi áp dụng tự động hóa, tin học hóa thì máy móc thiết bị, hay công nghệ sẽ không thể hoàn toàn thay thế toàn bộ hoạt động của người lao động, mặc dù các robot hiện nay có trí tuệ nhân tạo tốt hơn, sử dụng công nghệ cao hơn nên có thể tư duy nhanh, chính xác hơn con người trong một số trường hợp.
Như vậy thì cuộc CMCN 4.0 này sẽ tác động đến người lao động theo hướng nào?
Bởi nhu cầu, sự đòi hỏi của khách hàng luôn biến đổi và rất đa dạng, khác biệt, vì vậy robot vẫn khó đáp ứng được hoàn toàn và do đó con người vẫn phải tham gia các công việc như điều khiển robot và chuyển hóa nhu cầu của khách hàng thành các thao tác mà robot có thể hiểu và thực hiện được.
Rõ ràng, điều này dẫn đến đòi hỏi người công nhân phải có năng lực nhất định để hiểu khách hàng thực sự muốn gì, đặc biệt là thấu cảm với suy nghĩ của khách hàng, nhất là trong các ngành dịch vụ; đồng thời có thể chuyển những yêu cầu của khách hàng thành hoạt động của hệ thống robot hoặc robot có thể thực hiện được.
Phân tích trên cho thấy, nếu người lao động có trình độ thấp thì đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, như mất việc làm, vì họ không thể làm tốt như robot với trí tuệ nhân tạo khi làm những công việc lặp đi lặp lại, giản đơn. Nhưng ngược lại, người lao động thành thạo kỹ năng, có trình độ cao, có khả năng thấu hiểu khách hàng, và những người điều khiển, lập trình cho robot thì không lo bị mất việc.
Nếu người lao động có trình độ thấp thì đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, như mất việc làm, vì họ không thể làm tốt như robot |
Chúng ta sẽ phải làm gì trước áp lực thay đổi đến cùng CMCN 4.0, thưa ông?
Chúng ta không thể ngăn được làn sóng CMCN 4.0 đến Việt Nam. Nhưng trước áp lực này đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị cho người lao động về kiến thức mới, kỹ năng mới và cả những phẩm chất mới. Đặc biệt, người lao động cần được trang bị tính chủ động trong tư duy; được đào tạo, huấn luyện từ việc thấu hiểu cảm xúc của khách hàng đến việc lập trình cho robot và điều khiển robot, cải tiến hoạt động của robot…
Thứ nữa, nếu người lao động không có khả năng làm việc này, họ buộc phải chuyển dịch sang các lĩnh vực lao động mà ở đó sự giao tiếp giữa người với người vẫn được ưu tiên hơn là giao tiếp giữa người với máy, với thiết bị. Đó là sự phát triển của các ngành dịch vụ.
Dù các ngành dịch vụ cũng ngày càng được được robot hóa và tin học hóa, nhưng có nhiều ngành dịch vụ mà máy móc hay robot chưa thể tham gia phục vụ con người vì vẫn đòi hỏi sự tương tác cao như dịch vụ tư vấn, dịch vụ luật pháp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, dịch vụ giải trí có con người tham dự, và các dịch vụ mới phát sinh do nhu cầu của con người luôn thay đổi.
Vậy, mấu chốt để Việt Nam có thể “thẩm thấu” cuộc cách mạng này mà không dẫn đến những hệ lụy tiêu cực lớn là gì?
Xét về tầm nhìn, Việt Nam chắc chắn không còn lợi thế với lao động giá rẻ mà phải hấp dẫn ở lao động chất lượng cao. Điều này hoàn toàn có thể vì người Việt Nam có tố chất tốt và thuộc diện khéo léo.
Nhưng người lao động Việt Nam trong tương lai còn phải biết sử dụng tư duy thay vì sức lực, họ phải có khả năng sáng tạo, hiểu khách hàng (tham gia vào hoạt động thiết kế, R&D, hay lập trình phần mềm điều khiển robot...) do vậy hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân là cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, lao động Việt Nam không chỉ nằm trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động mà phải tham gia vào các ngành dịch vụ từ các dịch vụ sử dụng lao động trình độ thấp, hay vừa phải, đến những dịch vụ tầm cao như dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân, tư vấn cá nhân...
Vấn đề ở đây là định hướng cho người lao động có thể làm những công việc mới, thay thế công việc cũ chứ không hẳn là thụ động trông đợi vào quỹ thất nghiệp hay phúc lợi xã hội. Khi một công việc mất đi hay được thay thế bởi robot thì con người sẽ nảy sinh nhiều nhu cầu khác, công việc khác và ngày càng có xu hướng đòi hỏi biết phát huy trí tuệ thay vì sức lực. Do vậy người lao động không được phép lười, thụ động, nhất là lười tư duy, chậm đổi mới.
Đối với các DN nước ngoài, họ có quyền đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lao động Việt Nam, nhưng nếu họ đầu tư robot hóa có nghĩa là họ sẽ sử dụng lao động Việt Nam có trình độ cao hơn. Số lượng này ở Việt Nam hiện nay có thể ít, nhưng nếu hệ thống giáo dục và đào tạo tốt ta sẽ có nhiều hơn những người lao động trí tuệ.
Song song với vấn đề con người, một vấn đề cần lưu ý với nhà đầu tư nước ngoài là họ có mang công nghệ mới vào Việt Nam không hay chỉ mang công nghệ cũ, sử dụng nhiều lao động nhưng gây ô nhiễm? Nếu họ mang vào công nghệ mới và chúng ta có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực thì chắc chắn không có gì đáng lo ngại.
Từ những phân tích trên của ông thì về mặt chiến lược và chính sách, các nhà quản lý cần làm gì để chủ động đón đầu và thích ứng như thế nào?
Về chiến lược và chính sách của nhà nước, tôi cho rằng có thể chia ra làm hai nhóm cơ bản. Thứ nhất là các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, mà cụ thể ở đây là chính sách về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan quản lý giáo dục đã nhận ra điều này và đã có những sự đổi mới nhất định.
Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục phải tích cực đổi mới hơn nữa trong các hoạt động giáo dục và đào tạo, cải cách hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến bậc đại học để người học được tiếp cận với tư duy học để sáng tạo, học để chủ động trong tư duy, thay vì cách học nặng về thuộc bài như hiện nay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin, chắc chắn việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ phát triển thuận lợi hơn nếu có cách làm và chính sách đúng đắn để phát huy tối đa nội lực của hệ thống.
Thứ hai là các chính sách liên quan đến đầu tư và phát triển công nghệ. Nhà nước cần có sự đầu tư nhất định phát triển các ngành khoa học công nghệ tiên tiến nhưng đồng thời cũng cần tính đến lợi thế so sánh của Việt Nam để từ đó có sự chuẩn bị nguồn lực tốt, đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho các DN Việt.
Đồng thời, xây dựng một chính sách hợp tác để phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là tăng cường sự gắn kết giữa DN với các nhà khoa học, các tổ chức công nghệ như các trường đại học, các viện nghiên cứu để đảm bảo phát huy tối đa chất xám trong xã hội.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên xây dựng chính sách để thu hút các nhà đầu tư công nghệ tiên tiến, nhưng đồng thời cũng cần có những ràng buộc đối với các nhà đầu tư này trong việc chia sẻ công nghệ đối với các đối tác Việt Nam, tránh để xảy ra tình trạng chúng ta chỉ góp sức mà không học hỏi được gì từ những hoạt động đầu tư này.
Xin cảm ơn ông!