Cải thiện môi trường kinh doanh: Những nỗ lực đa chiều
Điều đáng lưu ý là trong các năm vừa qua, thông thường Nghị quyết này được ban hành vào cuối quý I, song năm nay đã được đưa ra ngay từ ngày đầu tiên của năm.
Tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trước quý III/2019 |
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt, nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt, vì vậy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục tiêu lọt vào top 4 nước ASEAN theo Nghị quyết 19 qua các năm còn rất khó khăn. Mặc dù có chỉ số đứng thứ 3, song phần nhiều chỉ số của Việt Nam đứng thứ 5, có những chỉ số đứng thứ 6-7. Khảo sát của VCCI cho thấy, trong 11 chỉ tiêu trọng điểm thì có 6/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt, rất tốt, có cải thiện nhanh. Song, 5/11 chỉ tiêu còn kém, ít được cải thiện như phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu. Hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng đứng thứ 21 nhưng 51% DN vẫn chưa hài lòng.
Mặc dù đến năm 2018 các bộ, ngành đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh, nhưng DN và các chuyên gia độc lập phản ánh thực chất mới cắt giảm được 30%, còn 20% vẫn trên lý thuyết. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành (KTCN), hiện có 78.000 nhóm hàng/mặt hàng thuộc diện phải KTCN, trong đó thời gian ở khâu hải quan chỉ chiếm 28%, còn 72% liên quan do 12 bộ, ngành phụ trách.
“Chúng ta đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhóm hàng/mặt hàng phải KTCN trước khi thông quan xuống 10% nhưng đến nay mới được 19% và 57% DN đánh giá thủ tục xuất nhập khẩu chưa có cải thiện rõ nét”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ. Hiện nay thời gian thông quan của Việt Nam gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia, gấp 5 lần Singapore; chi phí cao gấp 2 lần các nước này.
Trước tình hình này, với phiên bản mới của Nghị quyết 19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III/2019. Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu rõ các cấp chính quyền không được đặt thêm điều kiện kinh doanh.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019 thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, KTCN. Trước tháng 6/2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng KTCN và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này. Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục KTCN đối với một sản phẩm, hàng hóa.
Về nhóm giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức 4, Phó Thủ tướng cho biết đây là nhóm giải pháp mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết 02, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn liên quan đến công khai, minh bạch, chống tham nhũng.
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương không dùng tiền mặt được nói đến từ lâu nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Đơn cử tổng tỷ trọng thanh toán tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam là 11,49%, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc 4,1%, Malaysia 5,39%, Thái Lan 3,16%, ngay Campuchia 10,37%. Tiền mặt sử dụng cho 90% chi tiêu, 99% cho mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ công mức 4 hiện chỉ đạt 6,98%, trong đó chỉ 20% phát sinh hồ sơ, có một nguyên nhân là thiếu phương thức thanh toán điện tử.
Vì vậy Nghị quyết 02 yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4.