Môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp kỳ vọng cải cách hơn nữa
Chỉ số BCI quý III đạt 81 điểm | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Quyết tâm chính trị của ngành Ngân hàng |
Quyết tâm của Chính phủ
Khi nói về quyết tâm và những nỗ lực cải thiện MTKD, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ trong các năm qua, không thể không kể đến vai trò của các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35.
DN kỳ vọng cải thiện MTKD mạnh mẽ và thực chất hơn nữa |
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, qua 5 lần ban hành Nghị quyết 19 và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 35 thì cộng đồng DN đã ghi nhận rõ những chuyển biến rất tích cực của MTKD, từ thủ tục thành lập DN, tiếp cận điện năng, giấy phép xây dựng tới các thủ tục về thuế, hải quan và trên nhiều lĩnh vực khác đều thuận lợi hơn rất nhiều. Điều này cũng được thể hiện qua sự cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng hàng năm của các tổ chức quốc tế, số lượng DN đăng ký hoạt động tăng lên hay sự lạc quan của DN về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới…
Theo Báo cáo điều tra “Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách MTKD và phát triển DN – Góc nhìn từ DN” được đưa ra tại Hội thảo do VCCI tổ chức ngày 20/11/2018, tính đến ngày 31/10/2018 thì hầu hết các bộ, ngành đều đã hoàn thành thậm chí nhiều cơ quan đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà Chính phủ yêu cầu. Các cải cách về kiểm tra chuyên ngành cũng đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong khi đó, không khí cải thiện MTKD, hỗ trợ phát triển DN tại hầu hết các địa phương cũng đã và đang diễn ra rất tích cực. Như Nghị quyết 35 yêu cầu các địa phương phải tiến hành đối thoại với DN mỗi năm ít nhất hai lần thì qua điều tra này, hầu hết các địa phương đều đã vượt mức đề ra.
Điều quan trọng hơn đằng sau những cải thiện, đổi thay rõ nét trong MTKD mà các Nghị quyết 19 và 35 mang lại là cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và DN.
Theo đó, Nhà nước thay vì điều hành các DN bằng mệnh lệnh thì chuyển sang tạo lập thể chế kinh tế thị trường, điều hành bằng pháp luật và và tạo lập MTKD thuận lợi để hỗ trợ DN. Các Nghị quyết này không chỉ là thông điệp rất mạnh mẽ của Chính phủ, mà còn là cam kết của Chính phủ với cộng đồng DN trong việc đưa MTKD của Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN, và đề ra những nhiệm vụ rất cụ thể mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương…
Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy các bộ, ngành và địa phương có mức độ thực hiện cải cách chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá ĐKKD và cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó.
Xử lý tình trạng dưới “lạnh tanh”
Báo cáo cho thấy tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm ĐKKD được ban hành. Như vậy, dù hầu hết các bộ thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng theo báo cáo này, mức độ thực chất của việc cắt giảm không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.
Đáng chú ý theo phản ánh từ các DN, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Trong đó, có 42% DN cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này. Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, qua tiếp xúc với nhiều DN, bà được nghe phản ánh vẫn còn tình trạng “một cửa, nhiều ngách”, và nếu không qua các “ngách” đó thì khó mà qua “cửa” cuối cùng.
Thực tế trên cũng cho thấy, nếu những cải thiện của MTKD nói chung là không thể phủ nhận thì khi đi vào nhìn nhận sự cải thiện ở từng lĩnh vực, từng ngành và từng thủ tục hành chính liên quan cụ thể vẫn thấy còn một khoảng cách xa từ thực tế với kỳ vọng của cộng đồng DN. Hay nói cách khác là nhìn lại quá trình biến quyết tâm thành các hành động triển khai cụ thể, vẫn tồn tại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hay “trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa lại làng nhàng”. DN vì thế vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, để đẩy mạnh cải cách hành chính thì vấn đề quan trọng nhất phải nằm ở chính các bộ, ngành. Bởi đây chính là những đầu mối rà soát và đề xuất các thủ tục, điều kiện cần cắt giảm. Như 15 Nghị định về cắt giảm ĐKKD được ban hành vừa qua là do các bộ, ngành xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, còn ở cấp địa phương thì họ chỉ căn cứ vào đó để triển khai thực hiện chứ không có thẩm quyền. Vậy thì vấn đề quyết liệt và thực chất đến đâu trước tiên phải nằm ở trách nhiệm của các bộ.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian tới bên trên sẽ phải “nóng” hơn nữa, thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất là “nóng” hơn trong đẩy mạnh cải cách thể chế, bộ máy và đặt mục tiêu không chỉ để đưa MTKD của Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN mà còn phải tương thích với thể chế và MTKD của các nước thành viên các hiệp định mới mà Việt Nam tham gia (đặc biệt là CPTPP và EVFTA dự kiến có hiệu lực ngay tới đây) vì chỉ có như vậy mới có thể tận dụng được các cơ hội. Thứ hai, cùng với sự “nóng” hơn đó, đòi hỏi phía trên phải cương quyết hơn với cấp dưới của mình.
“Với một bộ máy được sắp đặt từ trên xuống dưới mà trong khi ở trên nóng, ở dưới lại có quyền lạnh tanh, lạnh ngắt mà trên không làm gì được thì sẽ là điều lạ lùng. Với các nghị quyết đã ban hành ra, những chỗ nào không làm được, không thực hiện được thì phải có biện pháp trừng phạt, thậm chí thải loại ra khỏi bộ máy để tránh làm ảnh hưởng chung”, bà Lan nói.
Cải cách nhanh, mạnh là điều kiện cần trong khi cải cách thực chất và bền vững là điều kiện đủ để nói về một chương trình cải cách MTKD thực sự thành công. Và để có thể nhìn nhận về những điều kiện cần và đủ đó, có lẽ sự hài lòng của cộng đồng DN sẽ là thước đo quan trọng nhất. Vì chính họ mới là những đối tượng hiểu rõ nhất việc làm thủ tục hành chính có thuận lợi hơn không?
Có bị thanh kiểm tra trùng lặp không? Có bị nhũng nhiễu, tiêu cực không? có thường xuyên mất điện không?... Nhìn dưới góc độ đó, giờ là lúc mà các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm của mình, tránh tình trạng chạy theo con số trên báo cáo, lạc quan về các thành tích luôn được nhấn mạnh mà người dân và DN thì không được hưởng lợi.