Cải thiện môi trường kinh doanh: Quyết tâm chính trị của ngành Ngân hàng
Những nỗ lực của NHNN trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua đã được NHNN chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Nhờ những nỗ lực của ngành Ngân hàng, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá cao, hiện xếp hạng 29/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 19 Bộ, ngành.
"Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 (về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020) các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD cũng cần rà soát lại việc thực hiện để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới, có những bứt phá, đổi mới rõ nét trong việc phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh", Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề tại Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19, 35 của Chính phủ, ngày 18/10.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng |
Triển khai đồng bộ, quyết liệt trong toàn ngành
Phó Chánh văn phòng NHNN Từ Thị Kim Thanh cho biết, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, NHNN đã xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC cụ thể (5 năm và hàng năm) và chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.
Đến nay, toàn bộ 6 lĩnh vực cải cách thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo Nghị quyết 30c của Chính phủ đều được NHNN tổ chức triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Về cải cách hoàn thiện thể chế, đây được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt được NHNN ưu tiên nguồn lực để triển khai. Kết quả nổi bật đó là việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, ban hành quy định mới trong lĩnh vực thành lập, hoạt động ngân hàng và quản lý hoạt động tín dụng, cho vay của các TCTD...
Riêng trong năm 2018, NHNN đã tổ chức rà soát tổng thể, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng và ban hành Thông tư số 17/2018/TT-NHNN để sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan. Theo đó, NHNN đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%), trong đó đề xuất cắt giảm hơn 49 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất). Đây cũng thể hiện kết quả rất tích cực của NHNN trong việc triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Công tác kiểm soát TTHC tiếp tục được chú trọng, tạo thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong các quan hệ hành chính với NHNN. Công tác kiểm soát TTHC được tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục để kiểm soát chặt việc ban hành các TTHC, đảm bảo tinh thần cải cách, minh bạch. Hàng năm các đơn vị thuộc NHNN phải chủ động rà soát để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC hiện hành. Ngoài ra, toàn bộ quá trình giải quyết TTHC được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả.
Trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, toàn bộ các TTHC của NHNN đã được thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và được đăng trên Cổng thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC của NHNN. Các hoạt động hành chính đã được ứng dụng toàn diện CNTT như hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành thống nhất trong toàn ngành nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi hệ thống truyền hình trực tuyến đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm chi phí hành chính, giảm đáng kể giấy tờ, đi lại, hội họp… mà hiệu quả điều hành cao hơn.
Các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công đều triển khai hoàn thành đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động.
Đối với hệ thống các TCTD, ngay sau khi có Kế hoạch hành động 1355, toàn bộ các TCTD đã ban hành Chương trình hành động để tổ chức triển khai. Hầu hết các kế hoạch của TCTD được ban hành chi tiết và cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Hệ thống TCTD đã tích cực chuyển đổi mô hình tổ chức với định hướng thu gọn các bộ phận hỗ trợ, lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ.
Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới trên nền tảng Internet Banking và Mobile Banking như áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...
Các TCTD tích cực đổi mới, cải tiến các quy trình cấp tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ sau cải tiến đã được đơn giản hóa, đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn cho khách hàng. Một số ngân hàng đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống đăng ký khoản vay trực tuyến qua internet và ứng dụng điện thoại tạo điều kiện cho khách hàng giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp hoặc phải đến ngân hàng giao dịch, giảm bớt phiền hà cho khách hàng.
Ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội nghị |
Đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn
Thời gian qua, Ban Cán sự đảng, Ban lãnh đạo NHNN đặc biệt là Thống đốc trong vai trò của thành viên Chính phủ và người đứng đầu ngành Ngân hàng rất quan tâm đến công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN.
"Không cuộc họp nào là những vấn đề này không được nhắc đến. Hỗ trợ DN và người dân luôn luôn được đặt ra trong hoạt động điều hành của NHNN. NHNN cũng có riêng một phòng về CCHC tham mưu, đôn đốc thực hiện”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN.
Trên tinh thần này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, quan điểm chỉ đạo là thủ trưởng các đơn vị tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thống nhất quan điểm chỉ đạo về CCHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Toàn bộ các đơn vị trong Ngành được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch 1355 và các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, tiếp tục quán triệt sâu sắc về chủ trương, mục tiêu và các nguyên tắc chủ đạo của Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đúng thời hạn và có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ theo kế hoạch của Ngành;
"Xác định công tác CCHC, cải cách TTHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là giải pháp chủ yếu để cải thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của đơn vị" - Phó Thống đốc nhấn mạnh và yêu cầu, người đứng đầu đơn vị phải thực sự gương mẫu, quan tâm, có trách nhiệm, chỉ đạo sát sao cụ thể công tác này; khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể và cá nhân làm tốt, phê bình kỷ luật nghiêm khắc những tập thể, cá nhân vi phạm quy định, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, phải quán triệt công chức đơn vị về tinh thần đẩy mạnh CCHC, ý thức tuân thủ các quy chế, quy định, kỷ luật lao động, ý thức phối hợp giải quyết công việc, trách nhiệm, phận sự giải quyết công việc, phát huy ý thức tự giác…
Từ những quan điểm trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cụ thể hóa các nhiệm vụ chung cho toàn hệ thống. Theo đó, căn cứ kế hoạch CCHC, kế hoạch hành động của Ngành, Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể; bố trí nguồn lực hợp lý, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, đạt hiệu quả.
Các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ động và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai Kế hoạch CCHC, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường kiểm tra, giám sát CCHC, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ thành lập các Đoàn kiểm tra tại các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD về CCHC và thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đề cập đến công tác tổ chức đào tạo về đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, văn hóa giao dịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với đội ngũ nhân viên (các TCTD) bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được xem là nội dung quan trọng triển khai trong thời gian tới đây.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN trong tiếp cận vốn tại địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Với hầu hết các giao dịch tiền tệ tín dụng của người dân và DN ở các TCTD, tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt nặng kỳ vọng vào các TCTD va mong muốn các TCTD cần tiếp tục lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.
Đặc biệt, các TCTD cần hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; đồng thời đầu tư và có giải pháp phù hợp đảm bảo an ninh công nghệ thông tin.
“Thời gian tới, áp lực công nghệ sẽ là lớn đối với các TCTD, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. TCTD nào đón đầu được công nghệ gắn với CCHC sẽ nâng cao năng lực canh tranh, đi trước và dành phần thắng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận. Cùng với đó, các TCTD cần nâng cao tình chuyên nghiệp trong giao dịch, tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…
Với các chi nhánh và đơn vị trực thuộc NHNN, Phó Thống đốc nhấn mạnh: cần tiếp tục cải cách thể chế, công chức công vụ và hiện đại hóa hoạt động. Phải xem đây là những nội dung cần quan tâm thường xuyên cùng các vấn đề khác tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch hành động 1355 của ngành Ngân hàng.