Cần bỏ tư duy XTTM dàn trải
Xúc tiến thương mại phải chuyên nghiệp hơn | |
Xúc tiến thương mại: Thay đổi để hội nhập |
Ảnh minh họa |
Điều mà các DN mong muốn khi tham gia các chương trình này là thông tin như: cách tiếp cận thị trường; quy chuẩn kỹ thuật, nhu cầu sản phẩm của thị trường nhập khẩu (NK)… Và đơn vị tổ chức cũng hy vọng sẽ cung cấp thông tin, giúp DN tiếp cận được thị trường một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách thức tổ chức các cuộc hội thảo kiểu này trong nước thì thấy rằng, thời lượng dành cho giới thiệu thị trường nhiều hơn là dành cho các DN trao đổi, hỏi đáp. Thông thường thời gian dành cho hoạt động này được xếp cuối cùng, thường diễn ra khá muộn. Vì muộn nên hầu hết các cuộc hội thảo đến cuối giờ đều rất thưa vắng. Thậm chí, có những cuộc hội thảo, buổi cuối giờ chỉ còn lại phóng viên.
Còn khi đi xúc tiến thương mại (XTTM) ở nước ngoài, hầu hết các chương trình cũng chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Không chỉ vậy, nhiều đoàn đi XTTM được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, thường làm theo kiểu kết hợp nên không tạo được ấn tượng cũng như uy tín. Vì vậy, nhiều chương trình đã không thu hút được sự quan tâm từ những đối tác quan trọng, những khách hàng lớn.
Không hoàn toàn phủ nhận sự hỗ trợ từ phía các đơn vị tổ chức nhưng ông Lê Thanh Hà, Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, thông tin tại các hội thảo XTTM nhiều khi không sâu sát với DN nên chưa đủ, chưa đúng với kỳ vọng của DN. “Chính vì thế, chúng tôi vẫn phải chủ động tìm kiếm, kết nối với khách hàng thông qua nhiều con đường”, ông Hà nói.
Ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu (XK) của Việt Nam hiện đã mở rộng sang 225/240 quốc gia, vùng lãnh thổ; tốc độ tăng trưởng về XK cũng tăng khá tốt, bình quân đạt 25% trong 30 năm đổi mới. Thành tích này có sự đóng góp của công tác XTTM.
Nhưng cho đến nay, công tác XTTM còn mang nặng tính hình thức, dàn trải, thiếu hiệu quả. Chính vì vậy, việc tiếp cận khách hàng, đối tác, nâng cao kim ngạch… còn khá hạn chế. Tính dàn trải của các chương trình XTTM được thể hiện ở việc thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu tập trung về cả thị trường cũng như sản phẩm.
Trong khi nguồn kinh phí dành cho XTTM còn khá ít thì chúng ta lại làm theo kiểu phân chia đều, mỗi nơi một ít. Phía DN cũng dành chưa nhiều kinh phí cho hoạt động này. Cùng với đó, tham tán thương mại đóng vai trò quan trọng trong XTTM khi vừa là cầu nối, “ăng-ten”, “trinh sát viên”, song hoạt động của lực lượng này còn chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực nghiên cứu, phân tích, trình độ ngoại ngữ cũng như hiểu biết thị trường… của các cán bộ XTTM chưa cao.
Chính vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay, hoạt động XTTM cần phải bỏ tư duy dàn trải, mà cần tập trung vào những ngành hàng ưu tiên, thị trường trọng điểm và thị trường mới. Cùng với đó, các thông tin thị trường như phân tích, dự báo… phải được tăng cường.