Cần kiểm soát chặt việc sản xuất, buôn bán xăng dầu
Giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng
Thời gian gần đây, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước, vì lợi nhuận nhiều đối tượng đã liều lĩnh sản xuất xăng dầu giả rồi tung ra thị trường. Vấn nạn này đã và đang để lại những hệ lụy khó lường cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điều đáng nói, việc ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả lại đang gặp những khó khăn.
Mới đây, Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã triệt xóa một ổ sản xuất dầu nhớt giả, thu giữ gần 2 nghìn lít dầu nhái nhãn hiệu nổi tiếng... Cụ thể, tại tổ 71, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, lực lượng thuộc Phòng chống ma túy và tội phạm, thuộc Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng khi kiểm tra ô tô mang BKS 43A-379.86 của Nguyễn Văn Hà, trú huyện Thanh Miên (Hải Dương) đã phát hiện những dấu hiệu nghi vấn. Trên xe, lực lượng chức năng phát hiện có 60 can nhựa chứa dầu nhớt, loại 4 lít, in chữ Castrol GTX 20W-50. Tại hiện trường, Nguyễn Văn Hà đã khai nhận đang chở số dầu nhớt giả mạo nhãn hiệu Castrol này đi tiêu thụ trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Nhớt giả thành phẩm chuẩn bị đưa đi tiêu thụ bị phát hiện |
Tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án lực lượng Biên phòng TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, khám xét cơ sở sản xuất dầu nhớt giả của Nguyễn Văn Hà. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện thêm 1,6 nghìn lít nguyên liệu sản xuất dầu nhớt. Đồng thời, thu giữ nhiều tem nhãn, bao bì giả thương hiệu Castrol của Công ty TNHH Castrol BP Petco gồm: 452 vỏ can nhựa in chữ Castrol Magnatec, 48 vỏ can nhựa in chữ Castrol CRB, 115 vỏ thùng nhựa in chữ Castrol Veston, 27 vỏ thùng các tông Castrol GTX, 600 nắp can Castrol và rất nhiều tem chống hàng giả in chữ Castrol… Theo đại tá Tôn Quốc Khánh - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng, chuyên án này là hoạt động nằm trong kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố. Hiện, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trưng cầu giám định chất lượng, giá trị cũng như tác động hủy hoại của dầu nhớt giả với động cơ xe máy để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật...
Được biết, trước đó tại TP. Đà Nẵng ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 đã ký Văn bản số 45/BCĐ389-CQTT về việc đấu tranh, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Đồng thời, kiểm điểm, xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng trên địa bàn thành phố.
Kẽ hở trong quản lý
Cũng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, công an tỉnh Đắk Nông phát hiện vụ việc pha chế xăng dầu giả do “ông trùm” Trịnh Sướng - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, đã thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Nhiều người cũng đã “choáng”, với các thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh sản xuất, tiêu thụ xăng dầu giả của các đối tượng này. Tính tới thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 29 bị can, về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”, trong đó có “ông trùm” Trịnh Sướng.
Theo đại tá Lê Văn Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động tinh vi, sản xuất xăng giả cực lớn, tinh vi, địa bàn hoạt động rộng ở nhiều tỉnh, thành. Bằng thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, các đối tượng đã có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả...
Theo cơ quan điều tra, phương thức thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng dầu giả có quy mô lớn này là mua sản phẩm dung môi trong quá trình chưng cất của dầu mỏ có chỉ số RON và octan rất thấp rồi pha với xăng A95 tỷ lệ 30 đến 50% và chất màu vàng để tạo thành xăng giả. Hoặc 35% dung môi, 40% xăng A95 và các hợp chất khác thành xăng E5 giả. Sau khi sản xuất xăng giả bằng cách pha trộn chất dung môi, xăng kém chất lượng, chất tạo màu... đường dây sản xuất xăng giả liên quan đến Trịnh Sướng đã đem bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng gần 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc này, công an tỉnh Đắk Nông cũng đã thu giữ trên 3,2 triệu lít dung dịch các loại gồm: trên 2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả, trên 400 nghìn lít dung môi chưa pha, 250 nghìn lít dung dịch (chưa rõ chủng loại) và nhiều vật chứng, tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội...
Trên thực tế, vấn nạn xăng giả đã và đang để lại những hệ lụy khó lường. Trước hết, liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn cho người sử dụng. Đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện có liên quan đến xăng dầu giả, gây ra những tai nạn thương tâm cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các hành vi pha trộn phụ gia, tạp chất vào xăng, dầu còn ảnh hưởng đến môi trường, phá hủy các loại động cơ... Trong khi đó, việc đấu tranh ngăn chặn vấn nạn này lại đang gặp những khó khăn, do vẫn còn những kẽ hở trong khâu quản lý.
Cụ thể, việc kiểm soát, ngăn chặn hành vi pha tạp chất vào xăng dầu rất khó khăn. Để có chứng cứ điều tra hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”, của các đối tượng sản xuất, buôn bán xăng dầu phải bắt giữ đúng thời điểm các đối tượng đang pha chế. Nếu không, việc thu giữ xăng giả do các đối tượng pha chế chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi hàng kém chất lượng, với mức xử phạt cũng nhẹ nhàng. Trong khi, theo quy định quản lý mặt hàng xăng dầu đầu vào luôn yêu cầu phải có hoá đơn, chứng từ. Tuy nhiên, trên thực tế kể cả có lấy xăng dầu có nguồn gốc rõ ràng, nhưng sau đó các đối tượng lại có thể lấy phụ phẩm ở nơi khác, rồi pha trộn và chính gian lận thường nằm ở khâu này... Bởi vậy, để ngăn chặn vấn nạn sản xuất, vận chuyển xăng dầu giả cơ quan chức năng cần xây dựng danh mục quản lý hóa chất pha trộn xăng, phụ gia... Không thể để việc mua hóa chất trên thị trường dễ như… “mua rau” như hiện nay.