Công bằng, minh bạch hơn để giảm khó cho ngành xăng dầu
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu [Infographic] Giá xăng giảm trong kỳ điều hành 3/10/2024 |
Càng làm càng lỗ
Không chỉ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu mà nhiều "ông lớn" đầu mối xăng dầu cũng than lỗ. Tình trạng kinh doanh khó khăn, thua lỗ kéo dài cùng việc siết chặt hoạt động của cơ quan quản lý đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phân phối xăng dầu tự nguyện trả giấy phép. Trong 7 tháng qua, hơn 20 thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, hiện trên thị trường còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Một chuyên gia phân tích, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng. Điều này khiến hàng tồn kho nhiều, giá càng giảm, doanh nghiệp càng lỗ lớn. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 19 lần tăng và 20 lần giảm, dầu diesel có 16 lần tăng và 20 lần giảm. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, có thời điểm xăng E5 RON 92 về dưới 19.000 đồng/lít - thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương hồi tháng 5/2021. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nhiều về tài sản sau bão Yagi; nhu cầu của người dân cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến...
Chưa hết, nhiều ý kiến cho rằng, số doanh nghiệp phân phối xăng dầu rời bỏ thị trường sẽ tiếp tục gia tăng nếu Nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi sắp ban hành theo hướng quy định chặt hơn đối với thương nhân phân phối, đặc biệt trong vấn đề chỉ cho phép mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối.
Mới đây, đội ngũ thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, trong đó phản ánh dự thảo Nghị định “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt nhóm thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ. Từ việc phân loại doanh nghiệp này dẫn đến phân biệt đối xử và phương thức quản lý khác nhau từ phía cơ quan quản lý nhà nước”.
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng để các doanh nghiệp đầu tư vào mảng xăng dầu bớt khó khăn hơn |
Tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch
Góp ý cho dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị về việc minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng. Ông Hoàng Trung Dũng, nguyên Tổng giám đốc CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, vì là ngành kinh doanh có điều kiện, nhà nước cần có chính sách bảo hộ, đảm bảo để cửa hàng xăng dầu hoạt động hiệu quả thay vì mở ra nhiều. Điều đó sẽ tránh tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn thao túng, thâu tóm thị trường.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và thu hồi giấy phép của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện, đồng thời cho phép toàn hệ thống được tự do mua bán; thanh tra, xử lý và công khai số lượng xăng dầu tăng sinh do hoạt động nhập khẩu cũng như chênh lệch từ bán buôn nội địa của thương nhân đầu mối. Đó là cơ sở đảm bảo truy thu, thu đủ thuế cho nhà nước, ngăn chặn hành vi buôn lậu, trốn thuế.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là rất cần thiết, bởi sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, xây dựng sàn kinh doanh xăng dầu sẽ làm cho hoạt động mua bán xăng dầu vừa rõ ràng, công khai, minh bạch cả về số lượng, giá cả lẫn chất lượng. Khi đó, sẽ giúp đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán. Tại sàn giao dịch xăng dầu, các chủ thể có thể chủ động bán và rao bán lượng xăng dầu trên thị trường này. Đối với những cấp trung gian, hoặc là những doanh nghiệp kinh doanh độc lập thì họ có thể đến để mua trên thị trường này dưới hình thức là mua các kỳ hạn hoặc mua trực tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần phải được xem xét một cách thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện. Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường xăng dầu, việc bổ sung các quy định liên quan đến công cụ phái sinh là hết sức cần thiết. Đặc biệt, việc xây dựng thiết lập hệ thống khung pháp lý một cách đầy đủ, rõ ràng là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững thị trường.