Cần làm gì để thực sự được hưởng lợi từ FTA
Cổ phiếu ăn theo EVFTA không dễ | |
Savills: EVFTA tác động tích cực lên bất động sản công nghiệp | |
Xuất khẩu nông sản sau các FTA: Hiểu rõ để tránh chủ quan |
Các doanh nghiệp dệt may được đánh giá là sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sớm được thông qua. Hiện mức thuế áp dụng đối với các mặt hàng dệt may của Việt Nam vào EU trung bình mức 9,6%, thuế suất sẽ về 0% trong 7 năm khi EVFTA có hiệu lực.
Ảnh minh họa |
Năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu đạt 36 tỷ USD ra thế giới thì xuất khẩu vào EU chỉ chiếm 12%, điều này cho thấy dư địa nâng cao xuất khẩu vào thị trường này là rất lớn. Tuy nhiên, cam kết giảm thuế của EVFTA ngay lập tức ngành dệt may cũng chưa được hưởng lợi nhiều vì đa phần vải và các phụ liệu khác chúng ta đang phải nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc và Indonesia - những thị trường chưa ký được hiệp định tự do với EU. Dù nguyên tắc trong EVFTA là xuất xứ của vải và được phép cộng dồn cả vải của các nước đã từng ký hiệp định tự do với EU như Hàn Quốc.
Để được hưởng các ưu đãi về thuế, không còn cách nào khác chúng ta phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Trong đó sản xuất vải sẽ là ngành cần được ưu tiên và đặc biệt chú trọng cân nhắc khi đầu tư, hoặc tìm cách liên doanh liên kết tạo ra các chuỗi giá trị để được hưởng xuất xứ cộng gộp. Đó cũng là một trong những phân tích được nêu ra tại Hội thảo Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Theo nhận định của giới chuyên gia, không chỉ dệt may, mà cả gỗ, nông - thủy sản, da giày… sẽ hưởng lợi từ EVFTA nếu đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, môi trường, quan hệ lao động, phát triển bền vững... và thực hiện được tất cả những điều kiện này lại là việc không đơn giản với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn nhận cơ hội từ EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, sắp tới có thể là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nhiều FTA khác dự báo có thể làm tăng GDP từ 13% - 16%. Song, vấn đề được đặt ra là liệu Việt Nam có đủ sức hấp thụ “liều lượng” lớn này cùng một lúc như vậy không.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên, Bộ Công thương cho rằng, các FTA sẽ như liều thuốc bổ đưa vào trong cơ thể. Nếu cơ thể chúng ta đủ khỏe mạnh thì khả năng hấp thụ hết, rất tốt, nhưng ngược lại thì sẽ là lợi bất cập hại.
Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ bây giờ mới mong tận dụng được cơ hội từ hiệp định này. Vì EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan rất ngắn, rất nhiều mặt hàng chúng ta có cơ hội vào EU tốt với thuế suất bằng 0%. Hiện các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia... chưa có FTA với EU, nhưng rồi họ cũng sẽ tìm cách tiếp cận với thị trường này, ông Khanh cho biết thêm.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nỗ lực của cả phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Về phía các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi hội thảo chuyên đề, tập huấn để họ hiểu các quy định của các FTA thế nào, qua đó tận dụng được cơ hội. Còn phía doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các buổi tập huấn kiểu như thế này. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng cộng hưởng, tương tác thì các cơ hội từ EVFTA cũng như các FTA khác mới đủ sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.