Cần môi trường kinh doanh lành mạnh
Điều kiện kinh doanh và những trăn trở | |
Chỉ số Môi trường kinh doanh quý I giảm 7 bậc |
Nhiều DN vẫn gặp khó do chính sách còn chưa phù hợp |
Chính sách “trói chân” DN
Chia sẻ tại buổi Hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, ổn định?” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Mai Huy Tân - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt chia sẻ, công ty chúng tôi xây dựng chiến lược sạch từ trang trại đến bàn ăn, đầu tư dây chuyền giết mổ với công nghệ của Đức để đưa thịt sạch về thị trường Hà Nội. Nhưng dự án thất bại hoàn toàn sau rất nhiều nỗ lực xây dựng lò mổ và xây dựng thương hiệu thịt sạch.
Bởi lẽ, sau một ca ở lò mổ vào lúc 5h sáng, Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên chỉ cấp một giấy chứng nhận thú y, tuy nhiên, ở mấy trăm điểm bán thịt sạch ở Hà Nội thì Quản lý thị trường lại yêu cầu mỗi điểm bán phải cấp một giấy chứng nhận thú y bản gốc, không chấp nhận photo của DN.
Dẫn tới, công ty đã phải bán thanh lý toàn bộ dây chuyền của Đức và xếp xó hơn 100 cửa hàng thịt sạch ở Hà Nội. Điều này đã làm thiệt hại nhiều tỷ đồng chỉ vì bất cập giấy chứng nhận trong một lĩnh vực thịt an toàn.
Ông Lê Xuân Hiền, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư chia sẻ, chuyện "Trên nóng dưới lạnh" chúng ta bàn mãi rồi. Chiều hôm trước, tôi nhận được giấy thành lập DN thì ngay sáng hôm sau đã có cuộc gọi điện tới yêu cầu kiểm tra phòng cháy chữa cháy, trong khi chúng tôi còn chưa có biển hiệu. "Chính phủ kiến tạo, minh bạch nhưng từ một ví dụ nhỏ như vậy cho thấy DN bị thanh kiểm tra lớn như thế nào, mặc dù Thủ tướng mới ra Chỉ thị 20/CT- TTg ngày 17/5/2017 với quy định một năm không được thanh kiểm tra DN quá một lần", ông Hiền đánh giá.
Muốn giám sát và kiểm tra được, cán bộ phải "sâu và lâu". Chúng ta cần chuyên gia về mặt pháp lý để phát triển DN. Ngoài ra, tình trạng cán bộ “thuộc bài” nhưng muốn nhũng nhiễu DN vẫn đang diễn ra phổ biến, gây khó DN. Những điều này cần phải được cải thiện trong thời gian tới, ông Hiền nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp được đề ra
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí và chi phí. Tuy nhiên có 3 điều đang bỏ ngỏ và ít đề cập đến. Một là, môi trường rủi ro pháp lý cho DN cao, thể hiện ở chỗ giấy phép kinh doanh cấp phổ biến có thời hạn 5 năm, sau 5 năm phải cấp lại. Quy định này gây rủi ro pháp lý cho DN bởi, nếu DN không xin được cấp phép thì những đầu tư trong 5 năm trước sẽ ra sao...
Thứ 2, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hiện nay Việt Nam đứng thứ 88/128 về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong khu vực Việt Nam đứng ở thứ 16/20 trước Nepal, Pakistan, Bangladesh, Myanma.
Sở hữu trí tuệ là điều quan ngại nhất, nếu không bảo vệ được thì DN không có động lực để sáng tạo và kinh doanh. Thứ ba, đó là mức độ an toàn, chúng ta mất 40 ngày để giải quyết một hợp đồng tranh chấp thương mại, và hiện phần lớn các tranh chấp hợp đồng thương mại được giải quyết ngoài tòa án.
Chính phủ đang tập trung giải quyết vấn đề này khá đúng hướng nhưng mới tập trung nhiều vào bề nổi. Do đó, ông Hiếu cho rằng, cần phải có cuộc cải cách toàn diện nâng cao chất lượng quy định; bãi bỏ quy định kém chất lượng, cản trở cạnh tranh, sáng tạo, gây rủi ro, mất an toàn cho DN.
Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, đừng để điều nghịch lý diễn ra mãi, rủi ro pháp lý và rủi ro chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với DN và nhà đầu tư, vẫn cứ mời chào thì rải thảm, làm rồi thì cắm chông, gài bẫy.
Do vậy, muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thì mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật, hợp lý, tháo gỡ, giải tỏa nhanh chóng, dứt điểm, thuyết phục, hợp tình hợp lý các vụ việc đầu tư, kinh doanh thực tế nổi cộm kiểu trên, thay vì mong muốn, hô hào, quy định chung chung.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Môi trường kinh doanh minh bạch đang là nhiệm vụ quan trọng đặt ra. Cải cách môi trường kinh doanh cần bắt đầu từ hệ thống pháp luật, từ nghị định đến thông tư. VCCI bình xét còn 24 điều kiện kinh doanh không hợp lý, cần được cắt bỏ”.