Điều kiện kinh doanh và những trăn trở
Điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng | |
Vì sao sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô phải có điều kiện? | |
Điều kiện kinh doanh - cởi hay trói? |
17 năm một “cuộc chiến”
Sau 17 năm quyết liệt loại bỏ giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) kể từ khi thi hành Luật DN năm 1999, đến nay theo danh mục thống kê được thì ngành nghề kinh doanh có ĐKKD đã giảm còn 243. Nhưng cuối tuần qua, một lần nữa ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thốt lên “chúng ta đã thất bại”. Mục tiêu giảm ĐKKD, tạo sự thông thoáng cho DN của quản lý nhà nước đã không đạt được.
So với giai đoạn kinh doanh cái gì cũng phải xin phép, muốn buôn bán ve chai cũng phải lên UBND phường xin cấp phép thì đến nay, đã giới hạn được các ngành nghề bị cấm và hạn chế kinh doanh với con số 243. Nhưng “kinh doanh có điều kiện và ĐKKD hiện vẫn là một cuộc chiến chưa dừng. Các điều kiện này đã biến thiên hàng ngày, hàng giờ mà ta không cập nhật, không thể thống kê chính xác”, theo ông Phan Đức Hiếu.
“Đây mới chỉ là bề nổi. Vẫn còn hàng nghìn ĐKKD được biến thiên dưới các dạng ĐKKD cha, con, cháu”, theo khảo sát của Ban Pháp chế (VCCI). Và VCCI “mới khảo sát 5 ngành nghề thuộc quản lý của Bộ Công Thương là kinh doanh khí, kinh doanh rượu, xuất khẩu gạo, tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh và logistics đã thấy có thể loại được 3 là xuất khẩu gạo, tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh và logistics ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện”.
Khi không còn là quốc gia thiếu lương thực thì nên coi gạo như những nông sản xuất khẩu khác. Lĩnh vực logistics thì bao gồm một chuỗi các ngành nghề như vận tải, giao nhận hàng hoá, kinh doanh kho bãi, đại lý thuế… Việc áp dụng ĐKKD đối với một chuỗi các ngành nghề là bất hợp lý dẫn đến chồng chéo. Còn điều kiện với tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, bản chất cũng chỉ là công tác kiểm tra từng lô hàng.
Để DN phát triển
Nhiều ĐKKD đã can thiệp vào hoạt động, quyền tự quyết của DN như điều kiện về số lượng nhân sự, diện tích phòng ốc, kho chứa, mô hình kinh doanh… rất sâu.
“Nhưng quy định như công nhân vận chuyển gas phải có 7 chứng chỉ thì khó quá. Làm công việc vận chuyển thì bắt họ học về nghiệp vụ kinh doanh gas để làm gì?”, ông Nguyễn Văn Tám - Phó giám đốc Công ty Thiết bị dầu khí lên tiếng. “Chúng tôi vướng nhất là quy định về nhân sự, chỉ được tuyển người có kinh nghiệm. Nếu chỉ những người có kinh nghiệm mới được tuyển thì người mới ra trường không bao giờ có cơ hội”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert phát biểu. Chính những điều kiện này làm cho VinaCert đã thành lập từ năm 2009 đến nay chưa hoạt động được.
Có những ĐKKD “vô lý” gây ra sự mất công bằng giữa các chủ thể trong cùng một ĐKKD, như yêu cầu DN kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu được Sở Giao thông - Vận tải phê duyệt. “Quy định này vô hình trung đã loại bỏ 70% DN vận tải nhỏ và tạo điều kiện cho các DN lớn chiếm giữ thị trường, giảm sự lựa chọn của khách hàng. “Không có cơ sở nào cho thấy DN có nhiều phương tiện hơn thì chất lượng dịch vụ tốt và an toàn hơn”, theo Ban Pháp chế VCCI.
“Tại sao cần có ĐKKD? ĐKKD chỉ cần có khi ngành kinh doanh đó có nguy cơ gây rủi ro cho người tiêu dùng. Và ĐKKD nào được quy định cũng lấy lý do bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng nó chính là con dao hai lưỡi. Khi muốn họ cũng có thể nói bút laze tôi cầm đây có nguy cơ gây rủi ro cho người tiêu dùng và phải đưa nó vào ĐKKD… Vấn đề là phải biết cân bằng giữa mức độ rủi ro và mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển xã hội”, ông Hiếu nói.
Một lần nữa, ông Hiếu cảnh báo tình trạng ĐKKD đang bị lạm dụng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của người dân và DN. Và theo các ĐKKD này mà “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” lần lượt ra đời đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, cản trở kinh doanh, gây tốn kém chi phí không cần thiết của xã hội. Trong khi việc đưa ra nhiều ĐKKD không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn, không hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng được nhiều hơn...
“Các bộ, ngành dường như vẫn thích quản lý ngay từ đầu hơn, nên ĐKKD hay được lựa chọn. Thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa quy chuẩn, tiêu chuẩn và ĐKKD nên quy hết thành ĐKKD”, theo ông Hiếu. Đáng ngại là có những người đã nêu vấn đề, nếu không có ĐKKD thì quản lý bằng gì?
“Khảo sát 7 năm qua của VCCI cho thấy, DN Việt Nam nhỏ và có xu hướng nhỏ dần trong khi nhẽ ra họ phải lớn mạnh lên. Phải chăng môi trường kinh doanh chưa thực sự khuyến khích? Việc gia nhập một số ngành nghề kinh doanh đang là câu hỏi khi mà ĐKKD đang tạo ra rào cản, chi phí cho DN”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế nêu vấn đề.
“Quyền tự do kinh doanh không phải là tuyệt đối, nhưng nghiêng về một bên mà bóp nghẹt quyền tự do kinh doanh, hạn chế quá mức cần thiết thì cần phải xem lại”, ông Huỳnh nói. Không phải cứ có rủi ro là có can thiệp bằng điều kiện để rồi nó trở thành rào cản gia nhập thị trường, tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính, áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc nhằm hạn chế sáng tạo và hạn chế liên kết theo chuỗi, áp đặt mức trần, sàn sản lượng sản xuất, tiêu dùng, hạn chế quyền tự do hợp đồng.