Cần một nhà đầu tư thông minh
Vì sao cổ phiếu Vinamilk có giá khởi điểm là 144.000 đồng | |
Bộ Công thương chốt giá “chào sàn” cổ phiếu Sabeco là 110.000 đồng | |
Cổ phần hóa DNNN hút nhà đầu tư ngoại |
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.
Bán vốn Nhà nước – phải nhanh lên nhưng không vội
TS. Nguyễn Đình Cung |
Theo kế hoạch, trong năm 2016 thu từ CPH các DNNN sẽ là 30.000 tỷ đồng, nhưng hết 9 tháng mới thu được 10.000 tỷ đồng. Khá nhiều ý kiến phê phán vì sự chậm trễ này, nhưng lại có ý kiến “không việc gì phải vội”, theo ông?
CPH, thoái vốn Nhà nước cần phải thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn chứ không phải nhanh theo số lượng. Nhà nước bán bớt phần vốn của Nhà nước tại DN là để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm hiệu quả hơn, chứ không phải bán để có tiền bù đắp cho thiếu hụt ngân sách.
Trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục bán vốn Nhà nước, bán hết ở những DN không cần nắm giữ nhưng không để thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Gần đây các động thái chuẩn bị bán bớt vốn nhà nước ở Vinamilk, Sabeco, Habeco… là những tín hiệu tích cực. Nhưng theo tôi, không tạo sức ép phải bán nhanh bán vội để đạt con số thu về 30.000 tỷ đồng mà phải bảo đảm bán được với giá tốt nhất, không làm thất thoát vốn như Thủ tướng chỉ đạo.
Quan trọng hơn là nguồn lực thu được từ CPH DNNN cần phải được sử dụng vào danh mục cụ thể cho đầu tư phát triển, chứ không hòa chung vào ngân sách rồi dùng để chi tiêu thường xuyên. Vì thế khi chưa xác định tiền bán vốn mang về đầu tư vào đâu thì không phải vội. Nói như vậy không phải là vin vào “lo thất thoát, mất vốn Nhà nước” mà chậm chạp kéo dài ra như cái cớ lâu nay, nhưng cũng không phải vì lo phê bình không đạt được con số 30.000 tỷ mà vội.
Hiện nay, đang có tâm lý thương hiệu Việt sẽ mất đi nếu nước ngoài họ mua được lượng lớn số cổ phần ở các DN lớn, như Habeco, Sabeco, Vinamilk?
Thương hiệu chẳng là gì nếu không mang lại tiền bạc. Vinamilk, Habeco, Sabeco… là những nhãn hàng quen thuộc, là sản phẩm đang được ưa dùng có thị phần lớn, chẳng ai dại gì mà vứt bỏ những thương hiệu như thế. Hơn nữa, giờ đây, câu chuyện này đã không còn là vấn đề nữa. Thủ tướng đã quyết và cơ quan chức năng đang thực hiện. Người dân cần biết rằng chính họ – người tiêu dùng, chính thị trường sẽ quyết định thương hiệu nào tồn tại, thương hiệu nào sẽ mất đi bằng quyết định lựa chọn có mua có dùng sản phẩm mang thương hiệu đó nữa hay không.
Nhà đầu tư thông minh là tái cơ cấu danh mục đầu tư chứ không phải thiếu tiền tiêu thì bán bớt cổ phần để tiêu |
Nhà nước lui để tư nhân tiến tới
Vậy, theo ý ông, bán bớt vốn sẽ mang tiền về làm gì, tái cơ cấu danh mục đầu tư như thế nào?
Tôi nhắc lại, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN, CPH, thoái vốn… là phân bổ lại nguồn lực. Nhà nước rút vốn đi, để lại cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân, để làm đúng vai trò của nhà đầu tư lớn. Nhà đầu tư thông minh là tái cơ cấu danh mục đầu tư chứ không phải thiếu tiền tiêu thì bán bớt cổ phần để tiêu.
Tổng cộng tài sản của các DNNN hiện hữu tính theo giá trị sổ sách khoảng hơn 400 tỷ USD (gồm cả DN có vốn của Nhà nước chi phối (khoảng 275 tỷ USD), cùng giá trị quyền sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, lợi thế kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển đổi…). Từ nay đến 2020, nếu việc CPH đúng lộ trình, mỗi năm dự kiến ngân sách nhà nước sẽ thu về 15-20 tỷ USD. Cộng với khoảng 15.000 tỷ đồng giá trị sổ sách của các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước sẽ phải thoái trong 5 năm tới sẽ thu được khoản không nhỏ.
Khi nguồn lực Nhà nước được phân bổ lại, tạo cơ hội đầu tư cho tư nhân, sẽ khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội. Như vậy nếu quyết liệt thực hiện, đẩy nhanh tiến độ CPH sẽ tạo một nguồn lực lớn cho tái cấu trúc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho toàn xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Thưa ông, Thủ tướng vừa thúc giục cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, và mục tiêu năm sau cũng đã được đặt ra với mức 6,7%. Một chỉ tiêu liệu quá cao?
Nếu không thay đổi thì sẽ khó đạt mục tiêu, nhưng nếu thay đổi được hệ điều hành kinh tế - tức là thay đổi cách nghĩ, cách làm - thì đây không phải là một chỉ tiêu quá cao. Và tôi tin Chính phủ đã và đang thay đổi, và tiếp tục quyết liệt thì sẽ làm được. Hệ điều hành kinh tế hiện nay đang cản trở tăng trưởng bởi vẫn dùng vĩ mô để thúc tăng trưởng, vẫn đổ vốn đầu tư, vẫn tăng khai thác dầu... cứ như thế thì lặp lại vòng xoáy vĩ mô lại rơi vào bất ổn, tăng trưởng lại sụt giảm.
Cần thay đổi tư duy ngay từ việc phân bổ theo cách hãy xem cần làm gì, tìm dự án mới phân bổ vốn, ví như ta cần phải có một cảng hàng không làm điểm trung chuyển hàng hóa ở khu vực, ta cần đường sắt Bắc Nam... từ đó mới có dự án Long Thành, xây dựng dự án cải tạo đường sắt, rồi mới tính xem cần bao nhiêu vốn... Hiện chúng ta đang làm theo cách ngược lại, tính có bao nhiêu vốn rồi mới tìm dự án nào để phân bổ.
Chưa kể chuyện cứ cần vốn là đi vay, là phát hành trái phiếu... Đừng hân hoan khi phát hành trái phiếu được nhiều, mà phải xem, trái phiếu phát hành nhiều là một thất bại của tái cơ cấu kinh tế.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!