Cổ phần hóa DNNN hút nhà đầu tư ngoại
Nhà đầu tư ngoại quan tâm triển vọng Việt Nam | |
Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến khởi nghiệp |
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến chương trình cổ phần hóa tại Việt Nam |
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, mặc dù trong ngắn hạn còn không ít thách thức, tuy nhiên triển vọng trung dài hạn cũng như ổn định kinh tế vĩ mô đang là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư ngoại tiếp tục quan tâm và rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, tăng trưởng GDP có thể chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ năm nay, nhưng sản xuất và xây dựng đạt mức độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm. Tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, đồng nội tệ được điều tiết ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 11 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, nguồn vốn FDI tiếp tục dồi dào, vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 11 tỷ USD (tăng 12,4% cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, việc Chính phủ quyết liệt thực hiện các biện pháp cải tổ, nâng cao tính minh bạch tại tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khả quan hơn trong năm 2017.
Trong tháng 6/2016, một số nhà đầu tư nước ngoài đã thông qua Quỹ VOF và DEG đầu tư 30 triệu USD vào CTCP gỗ An Cường, một công ty tư nhân tại TP. HCM. Đây là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi trong nhiều năm liền, An Cường luôn đạt tốc độ tăng trưởng đều đặn 30 - 35%.
Trong năm qua, doanh thu của công ty đạt hơn 70 triệu USD và có thị phần chi phối ở nhiều dòng sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa đi nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại còn rót tổng cộng gần 780 triệu USD vào 92 thương vụ liên quan đến các DN tư nhân, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng thiết yếu (21%), công nghiệp (16%), vật liệu (14%), tài chính (13%), y tế (8%)...
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại cho biết đang rất quan tâm đến chương trình cổ phần hóa (CPH), các công ty niêm yết mới tại Việt Nam. Nhất là dự định bán cổ phần tại các DNNN lớn như CTCP Sữa Vinamilk (VNM), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty FPT… đã được công bố trong thời gian qua.
Các nhà đầu tư ngoại cũng mong mỏi nhiều DNNN “đình đám” khác như các Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sabeco, Habeco, Công ty thông tin di dộng Mobifone, Satra và Bến Thành Group sẽ được CPH, niêm yết đại chúng trong vòng 12 tháng tới, giúp giá trị thị trường tăng thêm khoảng 10 tỷ USD.
Theo quan điểm của những nhà đầu tư này, những “con cá lớn” thường khó đánh bắt nhưng sẽ luôn tạo ra sức hấp dẫn và lợi nhuận khủng cho người sở hữu nó khi đầu tư thành công.
Trước đó, khi Chính phủ chấp thuận nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra làn sóng đầu tư mới vào thị trường Việt Nam, khiến lượng vốn hóa tăng lên đáng kể. Đến tháng 9/2016, có 9 công ty nới room 100%, bao gồm cả Vinamilk (công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường), và 1 công ty trong lĩnh vực dược phẩm vốn được coi là ngành kinh doanh có điều kiện. Hiện tại, đã có thêm nhiều công ty trong quá trình nới room, nhất là các DNNN để nhà nước thoái vốn và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia rót vốn.
Theo nhận định của một số chuyên gia về lĩnh vực CPH, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu đưa lượng vốn dài hạn vào các dự án hạ tầng, giúp lấp khoảng trống thiếu hụt nguồn vốn này tại Việt Nam và có tác động tích cực đối với thị trường. Song, một trong những rào cản chính là tỷ lệ phát hành cổ phiếu của DNNN dành cho nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, tính thanh khoản chưa cao.
Việc mở tài khoản để đầu tư tốn nhiều thời gian, gây cản trở ít nhiều đến hoạt động đầu tư. Đó là chưa kể đến việc, theo quy định trong vòng 12 tháng sau khi tiến hành CPH, DN phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên có rất ít DN Việt Nam tuân thủ điều này, nên tính minh bạch chưa cao, khó thu hút nhà đầu tư lớn.
Thực tế, một số DNNN như Vietnam Airline, BIDV... tiến hành CPH trước đó nhưng chỉ chào bán lượng cổ phiếu khiêm tốn đối với nhà đầu tư nước ngoài khoảng vài phần trăm, trong khi đối với những hàng hóa có chất lượng, nhu cầu của đối tác ngoại có thể lên đến 30 -35%, bởi tỷ lệ này sẽ tạo nên tính thanh khoản cao trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng về sau.
Bàn về vấn đề này, ông Peter Redward, Giám đốc hãng nghiên cứu Redward Assosiates cho rằng, đến nay Việt Nam đã công bố lộ trình nhằm đẩy mạnh CPH các DNNN, nhưng thực tế điều này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro nếu Chính phủ không xử lý thỏa đáng các yếu tố như vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, đặc biệt là việc đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng dàn trải, nợ xấu ngân hàng...
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài có thể quan tâm đến một số khoản nợ xấu, tuy nhiên các cơ chế liên quan cũng cần được xây dựng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoại tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Đồng thời, tạo cơ hội tái cơ cấu cho thị trường vốn và các DN Việt Nam có cơ hội phát triển.