Cảnh báo với nợ quốc gia
Vay trước mắt, lo lâu dài | |
Thêm trách nhiệm kìm giữ nợ công | |
Nợ công tiềm ẩn ở địa phương |
Những lập luận trấn an, kiểu như nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, hay vay không quan trọng bằng cách sử dụng và tính toán trả nợ… có lẽ sẽ không còn đủ sức thuyết phục nhiều người dân Việt Nam. Tại thời điểm này, từ người già đến trẻ, không kể lớn bé, mỗi người đang phải “gánh” hơn nghìn đô la tiền nợ quốc gia.
Nhưng đáng lo hơn, một vài con số mới được đưa lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nợ đã vượt trần và khả năng trả nợ vượt ngưỡng quy định an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dư nợ công cuối năm 2015 đạt 62,2% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng cho phép là 65% GDP. Tuy nhiên, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, đã vượt trần quy định 50% GDP. Đó cũng mới là con số chốt lại mang tính thời điểm vào cuối năm ngoái, xu hướng tăng nợ còn đáng ngại hơn, nhất là trong giai đoạn 2016-2020 này.
Việc duy trì mức trần nợ công cố định có ý nghĩa thiết yếu trong kiểm soát các rủi ro vĩ mô |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp khoảng 2,1 lần khả năng cân đối vốn trong giai đoạn này (hơn 1,8 triệu tỷ đồng).
Theo dõi tình hình ngân sách nhiều năm nay có thể thấy, rất hiếm khi chi ngân sách đúng như dự toán được duyệt, nên nhìn nhu cầu vốn “quá khả năng” có thể đáp ứng nêu trên cho thấy quan ngại mất cân đối ngân sách đã hiện hữu.
Thực tế cơ quan quản lý ngân sách cũng thấy được mối lo trên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Tổng nhu cầu vay cho NSNN (chưa bao gồm vay về cho vay lại) giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.265.000 tỷ đồng, bình quân 450.000 tỷ đồng/năm, riêng năm 2020 sẽ khoảng 540.000 tỷ đồng. Nhu cầu là vậy nhưng khả năng vay được, theo ông Dũng là “rất khó thực hiện”.
Vay khó, nhu cầu vốn có thể không được đáp ứng đủ, nhưng vẫn còn có cửa để “co kéo”. Riêng trả nợ thì là “đại vấn đề”. Hiện tại, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ theo như Quốc hội cho phép không được vượt quá 25% tổng thu NSNN. Nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bao gồm cả trả nợ gốc và lãi, theo như báo cáo của ông Dũng, sẽ vượt ngưỡng nói trên.
Cụ thể là, dự tính trong các năm 2019 lên tới 25,9% tổng thu NSNN và đến năm 2020 là 25,8%. Còn nếu tính cả vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong các năm 2018-2020 sẽ vượt ngưỡng khá cao, trong đó năm 2019 tỷ lệ trả nợ lên đến 29,4% tổng thu NSNN.
Đặc biệt là trong trường hợp nếu bội chi NSNN cao hơn mức 4% GDP/năm, đặt ra cho giai đoạn 2016-2020, hoặc trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu và không điều chỉnh giảm bội chi tương ứng thì nợ công sẽ vượt trần, đặc biệt trong trường hợp phát sinh rủi ro về giá dầu, tỷ giá.
Trước tình trạng nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng cho phép và còn có khả năng vượt cao hơn nữa, Chính phủ dự định sẽ trình Quốc hội quyết định nâng trần từ 50% lên 55% GDP. Lưu ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “5% GDP là rất lớn chứ không phải nhỏ”.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng vừa công bố thảo luận chính sách về đặc điểm nợ công của Việt Nam. VEPR cảnh báo: Tác động tiêu cực của nợ công cần được hiểu về bản chất như là rủi ro tích lũy của chính sách tài khóa lỏng lẻo và chi tiêu đầu tư công thiếu hiệu quả. Mức trần nợ công cần được xem xét dưới giác độ một ràng buộc cứng để cải thiện hiệu quả của chính sách tài khóa, bên cạnh ý nghĩa là ngưỡng an toàn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra trong tương lai.
“Vì lý do đó, việc duy trì mức trần nợ công cố định có ý nghĩa thiết yếu trong kiểm soát các rủi ro vĩ mô trong trung hạn. Thay vì nới rộng trần nợ công, cần thực hiện các biện pháp cứng rắn để đưa và duy trì nợ công ở ngưỡng cho phép”, Phòng Nghiên cứu của VEPR kiến nghị.