Vay trước mắt, lo lâu dài
Sẽ “thắt lưng buộc bụng” để hóa giải nợ công? | |
Thêm trách nhiệm kìm giữ nợ công | |
Áp lực trả nợ công |
Kế hoạch bị trì hoãn
Khoảng 160.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã được Bộ Tài chính huy động thành công chỉ trong 3 tháng cuối năm 2015, cho thấy sự khẩn trương của cơ quan này trong việc cân đối túi tiền quốc gia. Bởi so với kế hoạch năm là 250.000 tỷ đồng, thì hết 3 quý đầu năm 2015 lượng TPCP phát hành mới chỉ đạt 38%.
Như vậy với con số huy động được trong 3 tháng cuối năm 2015, nhiệm vụ chi trả nợ năm 2016 cũng đã phần nào “dễ thở” hơn. Trước đó theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong năm 2015-2016, khối lượng TPCP đến hạn thanh toán lên tới hơn 363.000 tỷ đồng, thì con số chi trả nợ phải cân đối trong năm 2016 chỉ còn khoảng hơn 200.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên đằng sau sự thành công của việc giảm nhẹ áp lực trả nợ này lại là câu chuyện đáng bàn. Để huy động được khối lượng trái phiếu tăng vọt như vậy, hồi tháng 11/2015, Quốc hội đã phải đồng ý sửa Nghị quyết 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước 2015, theo đó cho phép phát hành trái phiếu dưới tất cả các kỳ hạn, bao gồm kỳ hạn ngắn dưới 5 năm.
Sự trở lại của kênh trái phiếu 3 năm đã tạo nên sức hút cho TPCP, khiến cả khối ngoại cũng mua ròng trở lại. Phía cầu đã cho thấy thị trường chưa sẵn sàng cho các kỳ hạn dài. Bằng chứng là 3 quý đầu năm 2015, phát hành TPCP đạt thấp so với kế hoạch khi kỳ hạn trung bình trái phiếu phát hành được nâng lên mức 6,8 năm.
Cấu trúc nợ công giai đoạn 2011-2015 (% tổng nợ công). Nguồn: Bộ Tài chính & VEPR |
Cần nhắc lại rằng chỉ ngay trước thời điểm đó, Bộ Tài chính cũng đã trình và được Quốc hội phê duyệt phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế (TPQT) với kỳ hạn dài từ 10 - 30 năm. Lý do được đưa ra là triển vọng huy động vốn từ thị trường trong nước thông qua phát hành TPCP ngày càng khó khăn. Cơ quan này kỳ vọng, đợt phát hành TPQT sẽ không làm tăng dư nợ chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra.
Song thực tế đã không diễn biến thuận lợi như vậy. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 4 tháng kể từ khi Quốc hội chính thức cho phép phát hành TPQT, song kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện. Xét trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, thì phát hành TPQT nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục phải trì hoãn lâu dài. Đồng thời diễn biến trên thị trường TPCP trong 2 tháng đầu năm cho thấy, mục tiêu cơ cấu lại nợ theo hướng bền vững hơn có vẻ khó đạt được khi trái phiếu kỳ hạn ngắn vẫn tiếp tục lên ngôi.
Không nên lo đi vay bằng mọi giá
Là người ủng hộ kế hoạch phát hành TPQT, song TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định thời điểm hiện nay chưa thích hợp để thực hiện kế hoạch này.
Ông Kiên lý giải, điểm tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường TPQT hiện nay vẫn đang quanh mức B++, cho thấy giới đầu tư nước ngoài đang gia tăng tâm lý lo ngại với nợ công, do đó khó có thể thu hút người mua ở các loại trái phiếu kỳ hạn dài. Ngoài ra bên cạnh lãi suất phải trả thì cộng các chi phí trung gian để phát hành ra thị trường quốc tế, nguồn vốn huy động được sẽ không thể rẻ như kỳ vọng.
Thay vào đó, ông Kiên cho rằng đây là thời điểm cần dựa vào nội lực thông qua huy động các nguồn lực đang có trong xã hội. “Chúng ta đang có trong dân 40-50 tỷ USD dưới các loại tài sản khác nhau, tại sao không tìm cách phát hành để thu hút các nguồn lực này đi?”, ông Kiên đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì khó đạt được mục tiêu thu hút nguồn vốn kỳ hạn dài khi các tổ chức tín dụng vẫn là người mua chính. Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính lũy kế trong 2 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành TPCP là 52.119 tỷ đồng, thì tỷ lệ phát hành thành công vẫn tập trung chủ yếu vào TPCP kỳ hạn 5 năm, chiếm 85%.
“Thực tế này đòi hỏi Bộ Tài chính phải có sự đẩy mạnh phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ. Chứ bây giờ cứ để mặc NH lo chiến đấu với lạm phát, các tổ chức tín dụng đi mua trái phiếu, trong khi đó là nhiệm vụ của chính sách tài khoá”, TS. Nguyễn Đức Kiên bình luận.
Mặc dù việc phát hành trái phiếu để huy động vốn chi trả nợ là câu chuyện cần bàn trước mắt, song về dài hạn các chuyên gia cho rằng không nên lo phát hành trái phiếu bằng mọi giá để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho tất cả các bộ, ngành, địa phương như hiện nay.
Theo đó, song song với việc đi vay để cơ cấu lại nợ thì vấn đề cân đối NSNN, giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đó cần tiếp tục giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
Báo cáo về Những đặc điểm của nợ công Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây cũng đã lưu ý thêm rằng, chi trả lãi hiện đã chiếm một tỉ lệ lớn trong thu chi ngân sách.
So với tổng chi, chi trả lãi tăng từ 3,2% năm 2010 lên 6,7% năm 2014. Xét về số tuyệt đối thì chi trả lãi năm 2014 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010. Chi trả lãi chỉ thấp hơn chi cho giáo dục đào tạo, lương hưu và an sinh xã hội, và quản lý hành chính, lấn át các khoản chi thường xuyên khác. Tỉ lệ thu ngân sách dành để trả lãi ước tính lên đến 9,2% cho năm 2015.
“Ngân sách trả nợ lãi đang làm xói mòn nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một hậu quả trực tiếp của tỉ lệ nợ công cao”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh.