Nợ công tiềm ẩn ở địa phương
Danh sách các tỉnh thành đã và đang lên kế hoạch xây dựng trụ sở nghìn tỷ đồng tiếp tục được nối dài. Mới đây nhất, Nghệ An công bố dự định xây trụ sở 2.200 tỷ đồng. Trước đó, Hải Dương lên kế hoạch xây trụ sở có mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, Thái Bình cũng khoảng 2.000 tỷ đồng…
Ảnh minh họa |
Mặc dù nhu cầu đầu tư và sử dụng công trình trụ sở cơ quan chính quyền địa phương như nêu trên là có thật, song tính cấp bách của các dự án này lại là điều đáng bàn, đặc biệt trong bối cảnh cân đối ngân sách đang hết sức khó khăn, phải vay đảo nợ, bán vốn Nhà nước tại DN để bù thâm hụt...
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đã làm một phép so sánh giữa kinh phí xây trụ sở với thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của các tỉnh thành nói trên để minh họa căn bệnh “vung tay quá trán” đang tiếp diễn.
Đơn cử như Nghệ An, so với số thu NSNN dự toán năm 2014 là 6.420 tỷ đồng thì kinh phí xây trụ sở như ý định nêu trên chiếm tới 34%. Tương tự như vậy, tỷ lệ của Hải Dương là 31%, riêng Thái Bình với số thu NSNN khoảng 2.840 tỷ đồng thì riêng kinh phí xây trụ sở đã lên tới 70%.
Cá biệt là trường hợp của Sóc Trăng, tỉnh này đã xây dựng trụ sở với kinh phí 2.200 tỷ đồng, trong khi số thu NSNN dự toán trong năm 2014 chỉ vào khoảng 930 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí xây trụ sở cho chính quyền đã cao gấp khoảng 2,4 lần so với con số thu ngân sách toàn tỉnh trong 1 năm. “Tỉnh nghèo hơn lại có vẻ sang chảnh hơn tỉnh giàu”, ông Tuấn bình luận.
Việc xây trụ sở tỉnh thành nghìn tỷ diễn ra liên tục trong mấy năm trở lại đây cho thấy dường như đang hình thành một “cuộc đua” đầu tư. Trong dòng chảy đó, ngay cả những địa phương vẫn còn phải “ngửa tay” nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương vẫn tiếp tục đầu tư và có ý định đầu tư vào các dự án xây dựng trụ sở, tượng đài, quảng trường…
Kể cả các tỉnh mà tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc nhóm đầu cả nước cũng sẵn sàng chi số tiền lớn gấp vài lần ngân sách cả tỉnh trong một năm cho những công trình “hào nhoáng”. Điều này cảnh báo các địa phương hiện có thể là một trong những nguồn cơn chủ yếu làm phát sinh nợ công, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế.
Vậy, tại sao nợ của chính quyền địa phương chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu nợ quốc gia? Bởi theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2012, nợ Chính phủ chiếm 77,6%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 20,9% và nợ chính quyền địa phương chỉ chiếm 1,5% tổng nợ. Đối chiếu một con số khác, theo IMF, tính đến tháng 7/2015, trong cơ cấu nợ công của Việt Nam thì 79,6% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh, và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.
“Tôi không tin lắm vào con số này. Nợ chính thức, nợ ngầm của địa phương không thể nhỏ như vậy”, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh bình luận. Theo ông Ánh, quy mô nợ địa phương chưa được phản ánh đúng mức và thực chất, do đó bức tranh về tình trạng nợ nần có thể rất khác so với hiện nay.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho biết, con số thống kê chỉ là bề nổi, trong khi nợ ngầm của địa phương chắc chắn phải lớn hơn rất nhiều lần. Ông lý giải, tỷ lệ nợ địa phương khiêm tốn như hiện nay là do Chính phủ đang gánh nợ thay cho các địa phương, thông qua trợ cấp cân đối ngân sách và cả cân đối mục tiêu. Chính vì vậy, gánh nặng và rủi ro của nợ công đã không được bộc lộ ở địa phương, theo đó đang có những rủi ro ngân sách chưa được phản ánh đúng.
TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng tỏ ra đặc biệt lo ngại, với cơ chế phân cấp ngân sách như hiện nay thì vẫn sẽ có tình trạng địa phương ỷ lại vào ngân sách Trung ương.
Theo ông Thanh, thẩm quyền quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu, bổ sung ngân sách chưa rõ ràng và minh bạch, khiến cơ chế xin cho vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí là ngày càng tinh vi hơn, quyết liệt hơn. Điều này dẫn đến thực tế là địa phương nào “chạy” dự án tốt, xây dựng dự án nhiều thì được bổ sung nhiều chương trình mục tiêu hơn, chứ không hẳn là do nhu cầu thực.
Vì những rủi ro ngân sách ở địa phương đang chưa được phản ánh đúng như vậy, các chuyên gia lo ngại một số chính sách phân cấp hiện nay nhiều khả năng sẽ vô tình tiếp tay cho các chi tiêu lãng phí.
Ông Thanh cho biết, Luật NSNN mới sửa đổi có độ mở khá rộng về phân cấp, khi cho phép NSNN địa phương cũng được bội chi để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhiều tỉnh thành. Song ông Thanh băn khoăn, nếu không có cơ chế kiểm soát bội chi giới hạn ở mức độ nhất định thì nhiều tỉnh nghèo vẫn sẽ tiếp tục tình trạng chi tiêu phung phí, đẩy nợ quốc gia ngày càng tăng lên theo hướng thiếu bền vững.