Cấp bách “thông đường” cho đại lý thuế
Đại lý thuế: Sinh nhưng chưa dưỡng | |
Đại lý thuế không dễ phát triển | |
Phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 |
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 6/2016, cả nước có hơn 550 ngàn DN, khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh và hàng triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện khai thuế. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng hơn 200 đại lý thuế được cấp phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Ngoại trừ Hà Nội và TP. HCM, mỗi địa phương có khoảng 70-80 đại lý thuế. Các tỉnh, thành còn lại trung bình chỉ có từ 1-2 đơn vị phục vụ dịch vụ này và hầu hết đều đang gặp khó khăn trong việc phát triển kinh doanh.
Đuối vì chưa có “danh phận”
Theo cách nói của Tổng cục Thuế, đại lý thuế được xem như là cánh tay nối dài của ngành thuế. Bởi nếu phát triển mạnh đội ngũ các đơn vị này sẽ giúp cho DN, người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính của mình, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí; đồng thời được hưởng đầy đủ các ưu đãi về thuế; được hoàn thuế đúng thời gian quy định, tạo điều kiện duy trì vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế góp phần quan trọng vào cải cách hành chính ngành thuế |
Trong chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, ngành Thuế đặt ra mục tiêu phát triển 3.000 đại lý thuế trong giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 tăng số lượng này lên mức 8.000.
Đồng thời kỳ vọng rằng sẽ có khoảng 10% số DN trong nước (tương đương 50.000 đơn vị) tham gia nộp thuế thông qua đại lý. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra không như mong đợi của ngành Thuế. Hầu hết các đại lý thuế hiện nay đều “sống” khá vất vả. Họ phải mở ra thêm nhiều dịch vụ khác như: làm sổ sách kế toán, thủ tục thành lập DN, đào tạo nhân sự kế toán, thậm chí làm đại lý vé máy bay, bán văn phòng phẩm… để kiếm thêm thu nhập bên cạnh hoạt động kinh doanh chính là làm các dịch vụ về thuế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại lý thuế TP. HCM cho hay, chính vì dịch vụ đại lý thuế phát triển chưa mạnh, địa vị pháp lý trong hệ thống hành chính của đại lý thuế chưa rõ ràng nên DN, người nộp thuế chưa có nhận thức tích cực, đầy đủ về đại lý thuế mà đánh đồng các đơn vị này là một dạng “cò thuế”. Điều này khiến cho các đại lý thuế khó kiếm được khách hàng. Khá nhiều đại lý thuế mở ra không hoạt động được, phải hoạt động cầm chừng, chuyển đổi ngành kinh doanh hoặc giải thể ngay sau năm đầu tiên thành lập.
Phân tích kỹ hơn về góc độ pháp lý của đại lý thuế, ông Nguyễn Thái Sơn - đại diện CTCP Tư vấn thuế Sài Gòn cho rằng, hiện nay danh phận và sứ mệnh của đại lý thuế không được xem trọng đúng mức. Trong tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến thuế thì danh từ đại lý thuế chỉ được nhắc đến một cách ngắn gọn tại Điều 20, Luật Quản lý thuế 2006 với định nghĩa: “là DN kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN, thực hiện các thủ tục về thuế theo thỏa thuận với người nộp thuế”.
Vì được định nghĩa như trên nên đặc điểm pháp lý của đại lý thuế được định hình như là 1 DN kinh doanh dịch vụ có điều kiện hoạt động theo Luật DN và theo hợp đồng thoả thuận với khách hàng. Đại lý thuế cũng chỉ là những DN kinh doanh dịch vụ đơn lẻ, không có cơ chế liên hiệp thành hội và hiệp hội, trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế.
Ông Sơn cho rằng, cơ chế như trên tạo ra lực cản phát triển hệ thống đại lý thuế. Bởi nếu chỉ coi đại lý thuế là DN kinh doanh bình thường không làm rõ sứ mệnh “hỗ trợ người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật về thuế” thì không có cơ sở gì để Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải quan tâm tìm giải pháp phát triển hệ thống đại lý thuế; các cục thuế, chi cục thuế cũng không việc gì phải quan tâm hỗ trợ cho đại lý thuế trong việc giới thiệu hoạt động tới cộng đồng DN tại địa phương. Hơn nữa DN cũng không tìm thấy động lực, lợi ích gì khi tham gia thực hiện các dịch vụ thuế thông qua đại lý.
Gấp rút sửa luật để hỗ trợ DN
Giữa tháng 7 vừa qua, nhằm tìm kiếm những giải pháp đẩy mạnh phát triển đại lý thuế, Tổng cục Thuế đã tổ chức một buổi hội thảo tại TP. HCM. Tại buổi hội thảo này, ngành thuế đưa ra 2 nhóm giải pháp chính để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đại lý thuế. Đó là các nhóm giải pháp hoàn thiện quản lý Nhà nước với đại lý thuế và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống đại lý thuế.
Những công việc chính mà phía ngành thuế đặt ra để thực hiện các nhóm giải pháp này là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế theo hướng mở rộng các dịch vụ do đại lý thuế thực hiện. Bao gồm việc cho phép đại lý thuế được thực hiện các dịch vụ tư vấn thuế, rà soát sổ sách kế toán, báo cáo tài chính; cho phép đại lý thuế được đại diện người nộp thuế trực tiếp giải trình với cơ quan thuế và tham gia trong quá trình tranh tụng trước tòa về các vấn đề liên quan đến thuế.
Ngoài ra, ngành thuế cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định cho phép cả cá nhân và pháp nhân được cung cấp dịch vụ đại lý thuế dưới hình thức CTCP, công ty hợp danh hoặc công ty TNHH. Đồng thời tạo ra cơ chế ưu đãi về mặt thủ tục cho người nộp thuế nếu thực hiện giao dịch thuế thông qua đại lý.
Riêng về góc độ hợp tác để phát triển hệ thống đại lý thuế, ngành thuế chủ trương nâng dần số lượng các đại lý thuế đơn lẻ, sau đó bổ sung quy định để từng bước chuyển giao một số hoạt động quản lý đại lý thuế cho các tổ chức, hội nghề nghiệp.
Kết hợp hoạt động của các hội ngành nghề hoạt động độc lập như Hội Tư vấn thuế, Hội Kế toán, Hội Kiểm toán hành nghề… để cùng hỗ trợ cộng đồng DN trong việc đa dạng hóa các dịch vụ liên qua đến tài chính, thu nộp ngân sách. Ngoài ra, ngành thuế cũng sẽ hợp tác với Hiệp hội Kế toán thuế công của Nhật Bản để đầu tư các chương trình đào tạo, mở rộng và nâng chất lượng hệ thống đại lý thuế tại Việt Nam.