Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng
Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra nhận thức về tầm quan trọng của quản trị công ty trong ngân hàng Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về quản trị công ty trong ngân hàng trên thế giới và đề xuất gợi ý chính sách nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) nhấn mạnh, quản trị công ty (QTCT) đã được cộng đồng tài chính quốc tế công nhận là một trong 12 tiêu chuẩn cơ bản tốt nhất trong thực tiễn.
Theo các nguyên tắc QTCT của OECD thì QTCT đề cập đến các cơ cấu và quá trình cho việc định hướng và kiểm soát các công ty; mối quan hệ giữa ban giám đốc, HĐQT, các cổ đông lớn, các cổ đông nhỏ và những bên có quyền lợi liên quan. QTCT yêu cầu phải đảm bảo các nguên tắc: có cơ cấu quản trị hiệu quả; Đảm bảo quyền lợi và sự đối xử bình đẳng, công bằng giữa các cổ đông; Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; Minh bạch trong hoạt động của công ty; HĐQT và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.
Ông Phạm Huyền Anh cho biết, QTCT trong lĩnh vực NH liên quan đến sự phân định quyền hạn và trách nhiệm, có nghĩa là phương thức HĐQT và Ban giám đốc quản lý hoạt động kinh doanh và các vấn đề khác của ngân hàng, bao gồm: Xây dựng chiến lược và mục tiêu hoạt động ngân hàng; Quyết định mức độ chấp nhận khẩu vị rủi ro của NH; Điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của NH; Bảo vệ lợi ích của khách hàng gửi tiền, đáp ứng nghĩa vụ cổ đông và quan tâm đến lợi ích của các bên có quyền liên quan khác, đảm bảo hoạt động và ứng xử phù hợp với kỳ vọng NH sẽ vận hành an toàn, vững mạnh, trung thực và tuân thủ các luật lệ và quy định hiện hành.
Những chia sẻ kinh nghiệm của các diễn giả về QTCT sẽ hỗ trợ, tư vấn cơ quan quản lý, các NHTM nâng cao năng lực QTCT theo chuẩn mực quốc tế, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2015-2020.