Chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề cấp bách
Xử lý nợ xấu: Vẫn thiếu một cơ chế pháp lý đủ mạnh | |
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nắm bắt cơ hội, xử lý dứt điểm | |
Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu: Khoanh vùng điểm nóng của hệ thống NH |
Vì sao cần nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu?
Trước hết chúng ta cần phải phân tích bối cảnh nền kinh tế từ năm 2012 đến nay. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 254 về tái cơ cấu các TCTD, và đặt nó là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả ra sao chúng ta đã thấy. Trong vòng 2 năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu, tình hình nợ xấu và chất lượng hoạt động của các TCTD không mấy cải thiện.
Năm 2013, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã thảo luận rất nhiều và đưa đến một quyết định thành lập Công ty mua bán nợ tài sản quốc gia - VAMC. Đi vào hoạt động tháng 7/2013, đến năm 2016 tổng số nợ mà VAMC mua khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, NHNN đã chỉ đạo rất sát sao hoạt động xử lý nợ xấu, nhưng VAMC cũng chỉ xử lý cỡ khoảng 10% số nợ xấu được mua về. Và theo báo cáo mới nhất của các TCTD (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu của các TCTD trong nội bảng và bao gồm cả nợ bán VAMC tương đương vào khoảng 5,8%/tổng dư nợ. Nếu cộng cả những khoản nợ tiềm ẩn (nhóm 4,5) đã được chuyển đổi, tái cơ cấu theo Quyết định 780, Thông tư 02 của NHNN thì nợ xấu chiếm gần 10%/tổng dư nợ tín dụng.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu ra đời, có thể giải toả được những vấn đề đặt ra |
Số lượng nợ xấu lớn như vậy đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với hệ thống tài chính mà còn cả toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. Trong tình huống như thế này, buộc chúng ta phải có những quyết định rất đặc thù. Ngay trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về một số vấn đề kinh tế - xã hội thì lần đầu tiên hội nghị đã có lưu ý về đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng một văn bản pháp quy để xử lý trong tình hình đột xuất. Có thể nói đây là một sáng kiến lập pháp của các cơ quan của Quốc hội và nó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các cơ quan điều hành và cơ quan lập pháp.
Ngay từ tháng 12/2016, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã làm việc với nhau để xây dựng văn bản trên. Mục tiêu là thống nhất nhưng phương thức hành động lại khác nhau. Các cơ quan của Quốc hội đề xuất làm Nghị quyết và sửa Luật Các TCTD và sửa Luật NHNN. Nhưng về phía cơ quan điều hành thì muốn áp dụng một luật sửa nhiều luật. Trải qua gần 4 tháng trao đổi, thuyết phục và báo cáo các cấp có thẩm quyền, cuối cùng chúng ta thống nhất được phương thức triển khai xử lý vấn đề trên gồm hai phần: Có Nghị quyết để xử lý các vấn đề cấp bách, đảm bảo an ninh cho hệ thống tiền tệ và hệ thống các TCTD Việt Nam; Và sửa Luật Các TCTD để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho toàn bộ hệ thống.
Như vậy, chúng ta thấy mục tiêu đặt ra của Nghị quyết Quốc hội theo luật hiện hành quy định thì Quốc hội có thẩm quyền để ban hành một nghị quyết có tính chất tương đương một văn bản pháp luật hoặc là đưa ra những quy định mới mà những điều luật đã được Quốc hội thông qua trong các luật khác cũng như những điều luật chưa quy định. Có thể nói một cách nôm na, việc ban hành nghị quyết nhằm thực hiện thí điểm một số điều sửa đổi luật để đưa vào cuộc sống, xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra và cân đối xem nó có phù hợp với cuộc sống hay không trong lúc chúng ta chưa có điều kiện sửa toàn bộ những luật liên quan. Bối cảnh và điều kiện ra đời của nghị quyết xử lý nợ xấu các TCTD là như vậy.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp
Điểm mới đầu tiên trong nghị quyết này là có thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và có thể là kết thúc 1/7/2020 hoặc là 1/7/2022 tùy theo Quốc hội quyết định ở mức nào, nghị quyết có hiệu lực ở mức ấy.
Điểm mới thứ hai, nghị quyết không phân biệt nợ xấu của các TCTD theo sở hữu. Tức là không phân biệt nợ xấu của NHTM Nhà nước, hay là của NHTMCP. Mà chúng ta gọi chung đây là nợ xấu của các TCTD đang hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Điểm mới thứ ba, giới hạn thời gian. Theo nghị quyết này chỉ xử lý đối với nợ xấu kế toán đến ngày 31/12/2016. Còn các nợ xấu mà hình thành phát sinh từ ngày 1/1/2017 thì các TCTD phải thực hiện theo Luật Các TCTD hiện hành và sang nửa cuối năm 2018 thì phải thực hiện theo Luật Các TCTD (sửa đổi) mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Về điểm này, vẫn đang có sự chưa thống nhất quan điểm.
Chúng tôi đồng ý với lập luận của NHNN là nợ xấu luôn có thể hình thành trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của TCTD, nhưng không thể coi nợ xấu dẫn tới tình trạng đe doạ sự ổn định của nền kinh tế là điều bình thường. Nếu kéo dài thời gian vô hạn cho các TCTD để xử lý nợ xấu của mình thì đây chính là hiện tượng bất bình đẳng trong nền kinh tế. Các TCTD khi tham gia vào hoạt động kinh tế thì cũng phải chấp nhận rủi ro và phải tự chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của mình.
Điểm mới thứ tư, trong nghị quyết này là trình tự hệ thống hóa lại quy trình xử lý TSBĐ của nợ xấu theo một quy trình rút gọn. Trong đó, các quy định đều đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp của nghị quyết, tôn trọng quyền của chủ nợ, tôn trọng và yêu cầu con nợ phải có trách nhiệm với cam kết của mình theo pháp luật dân sự hiện hành nhưng đồng thời vẫn đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nếu như luật quy định về các vấn đề liên quan xử lý TSBĐ có nhiều bước thì trong nghị quyết quy định thành hai bước.
Cụ thể, đối với các nợ xấu mà có TSBĐ đã đăng ký giao dịch thì đầu tiên thực hiện theo quy định các TCTD và người vay nợ là tự thoả thuận với nhau. Khi không thoả thuận được thì TCTD có quyền kiện ra toà và theo tinh thần của nghị quyết này toà sẽ xử theo quy trình rút gọn, đảm bảo thời gian giải quyết rất nhanh và có hiệu lực ngay. Điểm mới nữa liên quan đến vấn đề này là Tổng cục thi hành án của Bộ Tư pháp cũng có một dự thảo về trình tự rút gọn thu giữ TSBĐ đã được đăng ký đối với người vay cố tình chây ì không chịu thực hiện các cam kết hợp đồng dân sự của mình.
Đối với vấn đề thu giữ TSBĐ thì nghị quyết đã tuân thủ đúng tinh thần của hiến pháp là đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền có chỗ ở của công dân. Nói cụ thể hơn, khi người đi vay có tài sản là nhà ở đưa vào giao dịch đảm bảo để trở thành một hàng hoá tham gia giao dịch bình đẳng trong nền kinh tế thị trường thì hàng hoá đấy có thể là ngôi nhà hay dưới dạng tài sản khác đều phải thực hiện theo hiến pháp, tôn trọng các cam kết, quy định trong Bộ luật Dân sự để đảm bảo một xã hội hoạt động theo Nhà nước pháp quyền, được vận hành theo luật chứ không phải là ủng hộ những người cố tình chây ì.
Đó là những vấn đề nóng của các TCTD đặt ra trong 4 năm vừa qua và từ thực tế điều hành nền kinh tế đất nước. Hy vọng, nghị quyết này có thể giải toả được tất cả những vấn đề đặt ra.