Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu: Khoanh vùng điểm nóng của hệ thống NH
Không thể trì hoãn việc xử lý nợ xấu | |
Khi nhìn nhận về nợ xấu đã thay đổi | |
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý | |
Tăng quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD và VAMC |
Ông Lê Xuân Nghĩa |
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến sự cần thiết và tính cấp bách của việc sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu. Quyết nghị sau phiên họp này, NHNN tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý hoàn thiện theo hướng xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và các luật có liên quan trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Vì sao phải cấp bách ban hành ngay nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu thay vì Luật Hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia để hiểu rõ hơn về chủ trương này.
Tại sao cần phải có nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu, thưa ông?
Xử lý nợ xấu càng chậm tổn thất nền kinh tế càng không thể đo đếm được. Mà xử lý nợ xấu của các TCTD hiện tại đang gặp nhiều vướng mắc lớn; Thứ nhất là vấn đề lãi dự thu. Thứ hai là xử lý tài sản đảm bảo; và thứ ba là quyền của chủ nợ đang bị yếu thế.
Để giải quyết được những vấn đề lớn này, một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết để tập trung xử lý có trọng tâm, trọng điểm. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra những giải pháp “đánh trúng” điểm cốt yếu trong xử lý nợ xấu của các NH. Trong dự thảo nghị quyết có những quy định hỗ trợ các NHTM xử lý dần lãi dự thu khi cho phép giãn thời gian xử lý tối đa là 10 năm. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất để các NHTM có thời gian thực hiện tăng thêm vốn điều lệ, củng cố được nền tảng tài chính hiện đang rất yếu và dãn tiến độ trích lập DPRR. Đấy là điều các NH đang ở nhóm trung bình trở xuống đều quan tâm.
Một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết để tập trung xử lý có trọng tâm, trọng điểm |
Việc cho phép NH xử lý dần lãi dự thu tác động mạnh đến xử lý nợ xấu. Như tôi biết, có những tài sản trước đây thế chấp vay NH hơn trăm tỷ nhưng bây giờ nếu bán đi chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Nếu bán tài sản này, NH đó lỗ ngay vài chục tỷ đồng. Lãi dự thu giảm chuyển thành nợ xấu. Với một NH kinh doanh cả năm chỉ lãi vài chục tỷ thì chỉ cần xử lý một tài sản như vậy coi như lỗ luôn, buộc họ phải tiếp tục hạch toán lãi.
Quy định như vậy có tác động mạnh đến hạch toán làm cho NH mạnh dạn xử lý nợ xấu. Tình trạng lãi giả lỗ thật cũng biến mất, đưa họ về thực tế. Đồng thời hạn chế thất thoát cho NH. Bởi có một thực tế, NH không dám bán nhưng cũng không dám thu hồi tài sản về. Con nợ tiếp tục sử dụng tài sản để cho thuê, kinh doanh, con nợ thu lợi nhuận, còn NH lại thiệt.
Đối với vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, lâu nay theo quy định hiện hành NH vẫn xử lý, tuy không được nhiều do quy định hiện còn nhiều vướng mắc… Dự thảo Nghị quyết này sẽ giải quyết được những trở ngại trên thông qua các quy định chặt chẽ, giao trách nhiệm tới từng cơ quan liên quan hỗ trợ TCTD thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, theo tôi Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề để cho việc xử lý nợ xấu được trôi chảy hơn.
Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết nên bổ sung những quy định gì thưa ông?
Theo tôi, ngoài quyền thu hồi, phát mại, cần phải tăng quyền của chủ nợ trong việc tổ chức đấu giá mới tạo điều kiện cho nhà kinh doanh trên thị trường mua bán nợ thực hiện mua bán dễ dàng. Ví dụ, nếu đầu thầu, đấu giá tài sản không thành công, chủ nợ có quyền đơn phương đấu giá. Trong trường hợp phải kiện ra toà, toà sẽ áp dụng trình tự rút gọn cho chủ nợ giúp cho thời gian xử lý nợ được rút ngắn.
Vấn đề nữa, theo quy định tại Thông tư 39, trong trường hợp phát mại tài sản không đủ trả gốc và lãi, con nợ vẫn tiếp tục phải trả nợ. Quy định này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cần xem xét lại. Theo quan điểm của tôi, con nợ chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số tài sản đảm bảo vì giá trị tài sản, giá trị khoản vay, tỷ lệ vay đều do NH định giá.
Thị trường mua bán nợ được đánh giá là kênh xử lý nợ xấu khá hữu hiệu. Vậy tại sao tại Việt Nam vẫn chưa thể phát triển được thị trường này, thưa ông?
Lâu nay, nhiều nhà đầu tư muốn mua lại nợ từ VAMC lẫn NHTM nhưng họ vướng mắc thực trạng tài sản đảm bảo không rõ ràng, không “sạch”. Có những TSĐB chưa giải phóng mặt bằng nhưng NH vẫn buộc phải lấy về nhận nợ, có những tài sản tranh chấp về quyền sở hữu… dẫn đến thực trạng một TSĐB nhiều chủ nợ, nhiều con nợ.
Để hình thành thị trường mua bán nợ có thanh khoản thì điều kiện tiên quyết tài sản phải sạch tức là hồ sơ pháp lý trong sạch, hiện trạng không tranh chấp, thủ tục mua bán sang tên đổi chủ nhanh… Thời gian tới, theo tôi, các NHTM và VAMC cần phải phân loại TSĐB với mức độ rủi ro khác nhau. Gói nào “gọn” để riêng xử lý trước. Gói nào còn khiếm khuyết để riêng tiếp tục bổ sung xử lý sau này. Với cách làm này sẽ tạo một lượng lớn hàng hoá sạch giúp người đi buôn trên thị trường mua bán nợ đắt hàng hơn khi cung - cầu gặp nhau.
VAMC cũng đang kỳ vọng khi tăng vốn sẽ thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường. Nhưng việc này có vẻ không dễ?
Đúng vậy. Tôi cho rằng, VAMC đang vấp phải khó khăn cả về thể chế lẫn nguồn lực. Hiện tại, VAMC đang là cơ quan hành chính nhà nước không phải là cơ hạch toán kinh doanh thực sự. Vì vậy, quy định chức năng nhiệm vụ quy chế hoạt động VAMC không đủ mạnh để giải quyết nhanh các khoản nợ. Và đồng thời cũng không đủ thông thoáng để họ tiến hành mua bán nợ theo phương thức kinh doanh.
Chính vì lẽ đó, nếu tiếp tục duy trì VAMC thì phải giải quyết pháp nhân cho VAMC như là một tập đoàn công ty TNHH một thành viên theo phương thức hạch toán kinh doanh hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường. Như vậy, những khoản nợ VAMC mua bằng TPĐB được họ xử lý theo cơ chế thị trường. Tức là chấp nhận mua bán có lãi - lỗ. Có những món nợ chấp nhận bán lỗ chứ không phải món nào cũng phải lãi. Nhưng tổng số nợ mua vào bán ra đảm bảo có lãi. Để giải quyết được vấn đề trên theo tôi, quan trọng nhất là tạo cơ chế cho VAMC.
Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện có nghị quyết này thì việc phát mại tài sản thu hồi nợ vẫn còn gặp nhiều vấn đề. Chắc chắn hình thành thị trường mua bán nợ còn gặp nhiều trở ngại lớn trừ khi có Luật bổ sung sửa đổi các luật liên quan đến TSĐB thì mới có thể giải quyết dứt điểm vấn đề xử lý nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!