Xử lý nợ xấu: Vẫn thiếu một cơ chế pháp lý đủ mạnh
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nắm bắt cơ hội, xử lý dứt điểm | |
Ban hành khuôn khổ pháp lý chuyên ngành là cấp bách | |
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý |
Trong hơn 5 năm vừa qua, mặc dù tái cơ cấu hệ thống NH đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó các TCTD yếu kém đã được nhận diện và cơ cấu lại. Thực hiện các chính sách siết chặt phân loại nợ, tăng cường dự phòng rủi ro, sáp nhập, mua lại NH và thu hối giấy phép hoạt động của các NHTM yếu kém. Trong quá trình đó đã không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước và nhân dân được bảo đảm an toàn.
Song, những vấn đề mang tính nền tảng để tiếp tục thực hiện các vấn đề cốt lõi của chương trình tái cơ cấu chưa thực hiện được một cách toàn diện triệt để. Điển hình như: vấn đề nợ xấu mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm theo đúng mục tiêu, nhưng đã để lại một khối lượng lớn nợ xấu do VAMC mua lại. Tăng cường năng lực quản trị điều hành sau tái cơ cấu còn bất cập, thay đổi cấu trúc sở hữu chưa rõ nét… Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình hình này sẽ tiếp tục làm tăng nguy cơ nợ xấu cho toàn ngành NH, gây ảnh hưởng tới sự lành mạnh hóa của thị trường tài chính nói chung và hệ thống NH nói riêng.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của các chuyên gia do chúng ta còn thiếu một cơ chế pháp lý đủ mạnh, chặt chẽ để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, của các TCTD và VAMC. Bên cạnh đó còn thiếu nguồn tài chính để xử lý nợ xấu, tăng quy mô vốn hoạt động và thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong quản trị DN.
Các nước có kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu đã chỉ ra rằng, cần nắm bắt cơ hội để xử lý dứt điểm nợ xấu, bởi đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên chậm phát triển kinh tế. Phần lớn các nước, khi tiến hành xử lý nợ xấu sẽ được hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước để giải quyết bên cạnh việc mua bán nợ (Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ…).
Tuy nhiên, đối với Việt Nam ngân sách eo hẹp áp dụng như các nước sẽ gặp không ít khó khăn, song cũng cần có những giải pháp hỗ trợ tài chính hợp pháp kể cả của Nhà nước để góp phần xử lý dứt điểm nợ xấu. Những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu không được giải quyết sẽ không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD.
Chính vì vậy NHNN đang dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD, đây là luật được đánh giá là chìa khóa để tháo gỡ những nút thắt hiện tại của quá trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu của các TCTD và VAMC. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ nợ xấu tăng thêm, tiếp tục khuyến khích các TCTD giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu đã phát sinh bằng các nguồn lực tự có, ngăn chặn nợ xấu gia tăng.
Thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động, phân loại nợ và trích lập, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Đồng thời, cũng chú trọng nâng cao năng lực quản trị điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cải tiến quy trình thẩm định, cấp tín dụng, bồi dưỡng trình độ, đạo đức cán bộ NH… Tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng áp dụng các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.