Cho Tây Nguyên thêm xanh
Tây Nguyên, cho đến giờ, vẫn luôn là “miền đất hứa” với nhiều người. Từ hàng chục năm trước, nơi đây đã đón không ít những người dân từ khắp các địa phương lên xây dựng vùng kinh tế mới. Rất nhiều trong số đó đã thực sự đổi đời từ vùng đất đỏ này. Có thể nói Tây Nguyên đã làm giàu cho họ, song chính họ cũng đang làm giàu cho Tây Nguyên.
Những ngày tháng Ba này, Tây Nguyên lại rộn ràng hơn với hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cơ quan xúc tiến thương mại… cùng tụ hội trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên.
Suốt nhiều năm qua, ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Trong đó có phần lớn dòng vốn từ Agribank - ngân hàng đi đầu trong cả nước về tín dụng tam nông. Agribank đã luôn tích cực cùng ngành Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực này.
Đặc biệt là đầu tư tín dụng phát triển cà phê và các cây công nghiệp thế mạnh khác. Riêng tại Tây Nguyên, tỷ lệ đầu tư nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm đến 87% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 1/3 trong tổng mức vốn tín dụng 10 tỷ USD mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay tại địa bàn.
Ở khu vực được mệnh danh là “thủ phủ” của cà phê, dư nợ cho vay của Agribank đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các TCTD trên địa bàn. Riêng về tái canh cà phê, đến nay, 6.302 khách hàng đã được vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh và trên 10.000 ha cà phê đã được tái canh từ nguồn vốn Agribank.
Nhờ đồng vốn tín dụng Agribank, nhiều DN như Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Công ty TNHH MTV Cà phê 52 cùng nhiều hộ sản xuất và cá nhân tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum sản xuất kinh doanh hiệu quả. Điển hình như ở Công ty TNHH MTV Cà Phê Phước An (Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) với sự trợ lực nguồn vốn từ Agribank, giá trị của cây cà phê đang ngày được gia tăng.
Theo đó, doanh thu hàng năm hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới, có chỗ đứng tại những thị trường khó tính tại EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga, đặc biệt là Nhật Bản. Không chỉ giúp DN làm giàu, đồng vốn Agribank đã giúp nhiều hộ nông dân, gia đình, bà con dân tộc ở Tây Nguyên vượt khó. Thậm chí rất nhiều trong số đó có dư nợ lên tới hàng tỷ đồng vay ngân hàng để đầu tư trang trại, vườn cây có quy mô lên tới vài chục ha.
Thực tế triển khai cho thấy, việc đầu tư tín dụng của Agribank tại Tây Nguyên đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và khuyến khích các thành phần kinh tế phát huy vai trò tự chủ. Qua đó bước đầu hình thành được một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su và các cây công nghiệp ngắn ngày khác…
Nhờ thế mà thúc đẩy thị trường nông sản hàng hóa phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên…
Hiện tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD, tăng 19,5% so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước (18,39%). Sự hiệu quả của đồng vốn đang khích lệ nhiều người dân, DN đầu tư, bỏ vốn vào Tây Nguyên hơn.
Từ kết quả đã làm được và niềm tin vững chắc vào tương lai phát triển của khu vực Tây Nguyên, Agribank xác định tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn khu vực này lên tới 90% tổng dư nợ. Tăng cấp tín dụng đối với khách hàng DN và khách hàng hộ sản xuất và cá nhân. Song hành với đó, Agribank cũng tăng cường triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn với nông nghiệp - nông thôn, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó tiếp tục triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đảm bảo giữ vững an ninh - quốc phòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.
Đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên của Agribank đạt 36.999 tỷ đồng, chiếm 30% nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên. Tổng dư nợ tín dụng đạt 59.740 tỷ đồng, chiếm thị phần 27% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đến cuối năm 2016 là 0.88%. |