Cho vay DN nhỏ tăng dần
NHNN yêu cầu báo cáo tình hình cho vay DNNVV theo định kỳ | |
VPBank dành 5.000 tỷ đồng cho vay DNNVV | |
VietinBank dành 5000 tỷ đồng cho vay DNNVV với lãi suất ưu đãi |
Trong một báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cuối năm ngoái có đưa ra tỷ lệ cho vay các DNNN đến cuối năm 2016 giảm còn 15% so với mức 19% thời điểm cuối năm 2011, trong khi cho vay các kênh phân phối, hộ gia đình đang tăng lên 36% so với mức 27% thời điểm cuối năm 2015. Số liệu này được Fitch tổng hợp từ 8 ngân hàng lớn của Việt Nam, cho thấy cơ cấu tín dụng đang chuyển hướng.
Trên thực tế, thời gian gần đây các chương trình tín dụng trong các NHTM cũng được tập trung nhiều hơn vào các khu vực ngoài quốc doanh. Chẳng hạn, trong tổng số vốn hơn 282.000 tỷ đồng trong chương trình kết nối ngân hàng – DN ở TP.HCM năm 2016, số lượng DN tham gia vay vốn chủ yếu là các DN tư nhân, công ty cổ phần, hộ gia đình, cá nhân vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Có thể khẳng định hình thức các NHTM trực tiếp kết nối với 14.142 khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và DN ở các quận, huyện TP.HCM cho vay 53.508 tỷ đồng thì 100% khoản vốn cho vay vào khu vực ngoài quốc doanh.
Ảnh minh họa |
Phần lớn những DN được ngân hàng chọn cho vay theo chương trình kết nối đều là những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt trong ngân hàng họ. Đặc biệt, những đơn vị phân phối như siêu thị, điểm bán lẻ... gần đây được các ngân hàng săn lùng cho vay. Ví như một điểm siêu thị Co.opMart ở TP.HCM mỗi ngày hiện có doanh thu trên dưới 3 tỷ đồng. Theo đó, nhiều ngân hàng nhảy vào đầu tư vốn cho siêu thị xây dựng, nâng cấp quầy kệ, nguồn hàng.
Nhưng để mở rộng cho vay vào các kênh phân phối đòi hỏi phải có thị trường mua sắm và thị trường lao động nhộn nhịp. Thời gian gần đây các ngân hàng cũng thiết kế rất nhiều sản phẩm cho vay bán lẻ, như cho vay mua ô tô chạy thuê (Grabcar), cho vay xây nhà cho thuê,... Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay còn bám sát các điểm bán lẻ hàng hóa điện tử, điện máy như Thế giới Di động, FPTShop, Viễn Thông A... để mở rộng cho vay tiêu dùng theo hình thức trả góp cho người mua hàng tại điểm bán.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đang có những bước bứt phá trong vòng hai năm trở lại đây. Trong đó đáng kể nhất là hai ngân hàng ngoài quốc doanh như: ACB năm 2016 có mức tăng trưởng tín dụng 21%, OCB tín dụng năm ngoái cũng tăng đến 35%.
Lãnh đạo hai ngân hàng này đều thông báo doanh số kinh doanh trên địa bàn TP.HCM luôn chiếm lần lượt 50%, 70% tổng doanh số kinh doanh của ACB, OCB trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh dù chất lượng tín dụng được nâng lên một bước vẫn đòi hỏi các ngân hàng phải bổ sung vốn tự có để hạn chế rủi ro.
Đối với những DNNN làm ăn kém hiệu quả, tổng giám đốc một NHTMCP có hội sở ở TP.HCM cho biết, họ đã không còn nhiều mặn mà với những dự án quy mô lớn nhưng hiệu quả đầu tư lại mịt mờ. Nhất là những khoản vay vào các DN lớn bị “đóng băng”, ngân hàng tài trợ tín dụng lại phải chuyển nợ thành vốn góp.