Cho vay hiệu quả với người nghèo đô thị
4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo nhờ tín dụng chính sách | |
15 năm gắn bó với người nghèo | |
Thắp lửa trên mặt trận giảm nghèo |
Mới đây, NHNN đã tổ chức Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”. Tại buổi tọa đàm trên, nhiều ý kiến cho rằng vốn tín dụng chính sách cần phải lấy người nghèo làm chủ thể, hướng tới giảm nghèo đa chiều và đẩy mạnh các biện pháp xã hội hóa huy động nguồn vốn. Quan sát ở khu vực TP.HCM, những kiến nghị như ở trên có thể nói là đã được chính quyền địa phương hiện thực hóa và triển khai khá hiệu quả trên địa bàn hầu hết các quận, huyện.
Dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ của người nghèo đô thị nhu cầu vốn rất khác biệt so với sản xuất nông nghiệp |
Trước hết, ở khía cạnh lấy người nghèo làm chủ thể, trong gần 2 năm qua TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và áp dụng thí điểm hệ thống chuẩn nghèo đa chiều để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Những thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, nếu tính theo chuẩn nghèo đơn chiều (chỉ xét yếu tố tổng thu nhập của hộ nghèo/năm) thì đến cuối năm 2016, số hộ nghèo tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 3,32% dân số. Tuy nhiên nếu xét trên 5 tiêu chí xã hội (bao gồm: giáo dục đào tạo, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin) thì số lượng hộ nghèo lại lớn hơn rất nhiều. Hiện có đến gần 50% số hộ nghèo tại TP.HCM thiếu hụt về trình độ nghề, hơn 47% thiếu bảo hiểm xã hội và gần 40% thiếu hụt về nhà ở.
Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của TP.HCM đã chuyển dần từ hình thức trợ cấp 100% sang chủ yếu hỗ trợ mang tính tác động nhằm giúp hộ nghèo tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề… Phương châm TP.HCM hướng đến là người nghèo ở lĩnh vực nào thì sẽ giúp đỡ ở lĩnh vực đó để tránh tình trạng tái nghèo. Vì thế các khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM hướng chủ yếu đến người nghèo nhằm giải quyết hỗ trợ vốn cho các gia đình có đất bị thu hồi để có vốn làm ăn, tạo việc làm cho lao động nhập cư và cho vay hỗ trợ học sinh-sinh viên có cơ hội học tập.
Ở khía cạnh xã hội hóa huy động vốn hỗ trợ người nghèo, TP.HCM cũng có thể xem là một trong những địa phương đi đầu trong việc tập hợp các nguồn lực. Xuất phát từ tiêu chí xác định hộ nghèo đa chiều, UBND TP.HCM đã gom về một mối các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách như: Quỹ giảm nghèo, Quỹ quốc gia việc làm, Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM… để ủy thác cho chi nhánh NHCSXH tại địa phương thực hiện cho vay.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM tính đến cuối tháng 9/2017, dư nợ cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh - sinh viên tại đơn vị đạt khoảng 1.560 tỷ đồng. Tính lũy kế qua các giai đoạn, từ nguồn vốn vay tại NHCSXH đã giúp 225.000 lượt hộ tại TP.HCM thoát nghèo; 56.000 lượt gia đình có đất bị thu hồi có vốn làm ăn và hỗ trợ 88.000 lượt học sinh - sinh viên được vay vốn học tập.
Bên cạnh việc tập trung nguồn vốn ngân sách, ủy thác về NHCSXH để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách thống nhất trên địa bàn, TP.HCM cũng đã kết hợp rất tốt nguồn vốn từ các quỹ tài chính vi mô để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách theo hướng đa dạng hóa. Chẳng hạn Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) trước đây là một quỹ nhỏ thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM hiện nay đã được chuyển thành Tổ chức Tài chính vi mô CEP với doanh số phát vay khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Tại địa bàn TP.HCM trong năm 2017, Quỹ CEP dự kiến phát vay vốn đến 361.000 người, giúp cho khoảng 62% thành viên CEP sống ở đô thị và 38% sống ở vùng nông thôn tại địa phương có thể thoát nghèo.
Như vậy, với việc tiên phong tiếp cận chuẩn nghèo bằng phương châm lấy người nghèo làm chủ thể trong việc hỗ trợ vốn, đồng thời linh hoạt tập trung các nguồn lực vốn chính sách kết hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, hiện nay hoạt động cho vay người nghèo đô thị tại TP.HCM đang được thực hiện khá hiệu quả. Mô hình tín dụng chính sách tại TP.HCM hoàn toàn có thể xem là một trong những mô hình đáng được nhân rộng trên địa bàn cả nước.