Cho vay tiêu dùng tăng: Sẽ làm hạn chế tín dụng đen
TS. Cấn Văn Lực |
Đó là nhận định của TS. Cấn Văn Lực. Ông cũng cho rằng, cho vay tiêu dùng còn nhiều dư địa phát triển. Hiện mới chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế (trong khi ở các nước khác con số này khoảng 15-25%) nhưng còn nhiều yếu tố khiến thị trường này chưa thể tăng nhanh và cao hơn.
Nguyên nhân chính vì sao vậy, thưa ông?
Theo tôi trước hết là yếu tố văn hóa vay nợ của người Việt Nam mình. Bởi một mặt, văn hóa vay tiêu dùng chưa phổ biến. Mặt khác, một người có thể sẵn sàng vay tiền bạn bè, người thân người quen để chi tiêu… nhưng nói đến đi vay từ các tổ chức tài chính thì có tâm lý ngại vì các thủ tục chứng minh. Ngoài ra, hiểu biết của một bộ người dân về tài chính NH nói chung, trong lĩnh vực này nói riêng chưa nhiều nên tâm lý ngại vay mượn qua các kênh chính thức và sợ ràng buộc vẫn còn.
Thứ hai, cho vay tiêu dùng chủ yếu dựa trên tín chấp. Do đó vấn đề quan trọng nhất là thông tin. Thông tin từ cả hai bên phải minh bạch, chính xác mà yếu tố này thì Việt Nam mình hiện nay vẫn còn khá yếu.
Thứ ba, hành lang pháp lý cho vay tiêu dùng chưa đầy đủ. Hiện nay chúng ta chưa có một thông tư hay nghị định hướng dẫn chuyên về cho vay tiêu dùng mà mới có quy định chung về cho vay. Trong khi đó, đây là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản nên độ rủi ro cao hơn và cần có quy định riêng.
Theo ông, nguyên nhân một phần có phải vì các sản phẩm cho vay tiêu dùng hiện nay chưa đa dạng?
Thực ra các sản phẩm vay tiêu dùng của các TCTD, công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đã khá đa dạng, từ thẻ tín dụng, cho vay mua ô tô, sửa nhà, mua đồ đạc đều có rồi.
Vậy theo ông đâu là giải pháp để thúc đẩy cho vay tiêu dùng?
Có lẽ quan trọng nhất là cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý, có quy định riêng về cho vay tiêu dùng. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể về cho vay tiêu dùng như định nghĩa thế nào là cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, như trên đã nói, do hoạt động cho vay này dựa trên tín chấp là chính, thủ tục giấy tờ đơn giản nên khá rủi ro. Mà đã rủi ro cao thì bên cho vay yêu cầu lãi suất cũng phải cao hơn.
Điều này có nghĩa không nên áp trần lãi suất đối với loại hình vay này mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ làm méo mó rủi ro. Đó là chưa kể chúng ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng. Việc càng sử dụng nhiều biện pháp hành chính thì càng khó cho cả bên cho vay và khách hàng.
Bên cạnh đó, cần có quy định liên quan đến tiết lộ và minh bạch hóa thông tin của cả bên đi vay (các điều kiện về công việc, thu nhập…) cũng như cả bên cho vay (điều kiện cam kết của hợp đồng, phí, lãi suất, thủ tục…).
Đồng thời, cần có các hoạt động tuyên truyền để giúp tăng thêm hiểu biết cũng như văn hóa về vay tiêu dùng. Khi người dân hiểu biết về tài chính hơn thì người ta sử dụng nhiều dịch vụ tài chính chính thức hơn, qua đó giúp hạn chế được tình trạng tín dụng đen. Bởi vay tiêu dùng dù lãi suất cao nhưng vẫn thấp hơn tín dụng đen nhiều và quan trọng hơn là khách hàng được pháp luật bảo vệ.
Chính phủ và NHNN cũng cần tiếp tục chính sách hạn chế dùng tiền mặt và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Ngoài ra, các TCTD và công ty tài chính cũng cần đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác quản lý rủi ro bởi tính chất rủi ro cao hơn (vì chủ yếu dựa trên tín chấp) của hình thức cho vay này.
Xin cảm ơn ông.