Chủ động tham gia thị trường
Nông nghiệp cũng gia công | |
Xuất khẩu chè tới hạn phải cải cách |
Vẫn chủ yếu xuất thô
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, xuất khẩu chè đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến khu vực nông thôn, đặc biệt là cho bà con vùng miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng còn chưa cao, việc sản xuất chè an toàn chưa được sâu rộng và giá trị gia tăng còn hạn chế.
Một trong những nhiệm vụ đặt ra của ngành chè Việt Nam là phải tiếp tục thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng chè của Việt Nam, Dự án thúc đẩy nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 2 (VUI) đã được triển khai thực hiện, ông Đức cho biết thêm.
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, Dự án VUI sẽ đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè về nông nghiệp bền vững và chứng nhận Rainforest Alliance (RA) hướng đến đạt chứng chỉ RA. Sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn chè được sản xuất, trong đó khoảng 15.000 tấn được chứng nhận RA, tiếp cận thị trường thế giới và cung ứng cho Tập đoàn Unilever với giá bán cao hơn bình quân thị trường 1 - 2 USD/kg.
Lợi ích đem lại khi triển khai chương trình, về phía nhà máy, đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu, hiệu quả sản xuất cao hơn, sản phẩm an toàn, tác động xã hội tích cực, tiếp cận thị trường quốc tế. Với nông hộ và bà con nông dân, sẽ giúp cải thiện năng suất, tăng thu nhập, đảm bảo phát triển cây chè bền vững, tạo thói quen sử dụng hóa chất an toàn.
Đánh giá về kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1 thực hiện Dự án thúc đẩy nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng, ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm triển khai mô hình hợp tác PPP phát triển chè bền vững tại Việt Nam, chất lượng chè Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.
“Trước khi triển khai mô hình hợp tác PPP, mỗi năm Unilever chỉ nhập được khoảng 4.500-5.000 tấn chè Việt Nam. Nhưng nay, Unilever đã nhập được khoảng 11.000 tấn. Qua các mô hình này hy vọng thời gian tới chất lượng chè Việt Nam tiếp tục được nâng cao và Uninever có thể nhập được 20.000 tấn chè từ Việt Nam” ông Hoài nói.
DN chủ động
Chủ động tham gia phát triển chè bền vững (PPP), tạo chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu là ý kiến của nhiều DN ngành chè Việt Nam khi tham gia dự án giai đoạn II này. Đại điện công ty chè Phú Đa cho biết, công ty có 1.460 ha và đã tham gia toàn bộ diện tích vào dự án II. Khi bắt đầu tham gia dự án, bản thân công ty cũng gặp nhiều rào cản, ý thức của bà còn vẫn theo kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước”, bao giờ họ cũng đặt câu hỏi là họ được cái gì mà quên mất việc hợp tác giữa hai bên để cùng có một sản phẩm tốt.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, ý thức của bà con đã được thay đổi, tất cả những gì thuộc nông hộ đặc biệt là làm việc trên đồng chè được cải thiện rất nhiều, ý thức của bà con được nâng lên rất cao, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm đi 2/3.
Sau khi trừ đi chi phí, thu nhập của người nông dân trồng chè được tăng lên. Bản thân công ty cũng cam kết, từ nay đến cuối năm nếu giá chè tăng cao, sẽ trích một phần lợi nhuận quay về đầu tư lại cho bà con, hỗ trợ về kỹ thuật… Việc này cũng là để lấy lại thị trường và xây dựng thương hiệu cho công ty chè Phú Đa.
Ông Vũ Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Trà Than Uyên (Lai Châu) chia sẻ: “Trước khi tham dự giai đoạn II dự án, bản thân chúng tôi cũng đã tổ chức công ty thực hiện theo mô hình dự án này. Quan điểm của công ty là đi trước đón đầu, định hướng của công ty là sản phẩm chè phải có thương hiệu”. Công ty đã chủ động xin tham gia dự án và mong muốn nhận được chứng nhận RA. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao giá thành, nâng cao chất lượng, tham gia vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu, giải quyết câu chuyện xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Lai Châu, ông Sang nói.
Thay nếp nghĩ, đổi cách làm của các hộ nông dân trồng chè, thúc đẩy liên kết PPP trong ngành chè nhằm góp phần nâng cao chất lượng chè của Việt Nam, xây dựng thương hiệu cho chè Việt cũng như của các DN Việt là mục tiêu mà dự án các DN tham gia hướng tới.