Nông nghiệp cũng gia công
Tăng chất cho đầu tư ra nước ngoài | |
2017 - Tiếp tục là năm cao điểm ATTP | |
Nhật mở rộng đầu tư vào nông nghiệp |
Đầu tuần này, một thông tin “hot” cho ngành nông nghiệp được phát đi, quốc gia xếp thứ nhất về sản lượng cà phê trên thế giới, Brazil, đã công bố kế hoạch nhập khẩu 1 triệu bao cà phê (60 kg/bao) của Việt Nam trong vòng 4 tháng tới. Brazil nổi tiếng về trồng cà phê chè arabica, cũng là loại có giá thị trường cao hơn cà phê robusta chiếm phần lớn diện tích trồng ở Việt Nam.
Nhưng trong lần nhập khẩu này, lý do được đưa ra là để đảm bảo sản lượng cà phê hòa tan chế biến ra đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng của họ, tránh mất thị trường, khi mà một số bang của Brazil dự báo giảm sản lượng cà phê thu hoạch…
Ảnh minh họa |
Xuất khẩu cà phê cho quốc gia đứng đầu về sản lượng cà phê có thể xem là tin mừng, vì ít nhất một phần sản lượng cà phê xuất khẩu đã được đảm bảo trong mùa vụ này. Tuy nhiên, câu chuyện cho thấy cà phê Việt Nam dù chiếm sản lượng xuất khẩu thứ hai trên thế giới cũng chỉ thuộc diện xuất thô nguyên liệu. Không có được sản phẩm cuối cùng, không có được thương hiệu sản phẩm trên thị trường thế giới, ngành cà phê vẫn một điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa được giá. Hiện trạng ấy không chỉ có cà phê mà cũng là vấn đề chung của nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Năm 2016 vừa qua, xuất khẩu nông sản ước tính đạt trên 32 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhưng gần như không có thương hiệu nào về nông sản Việt được thế giới biết đến. Có nhiều dẫn chứng đáng buồn cho hiện trạng này. Chẳng hạn như với cà phê, dù xuất khẩu vào Mỹ rất lớn nhưng trong các DN xuất khẩu cà phê vào thị trường này không có cái tên nào của Việt Nam.
Gạo cũng vậy, dù xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc nhưng không có thương hiệu nào từ Việt Nam được biết đến. Có chuyên gia cho biết, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài.
Đó là một nghịch lý đáng buồn, khi quốc gia chiếm tới 60-70% dân số ở khu vực nông thôn, với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã phát triển hàng chục năm nay, đất nước đang trên đà hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhưng đến sản xuất nông nghiệp cũng gia công, làm thuê cho DN nước ngoài. Những phần giá trị gia tăng lớn có đóng góp từ công nghệ, thương hiệu, sản phẩm chúng ta không được hưởng, ngược lại chúng ta phải chịu rủi ro mùa màng thất bát, khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
Ngay với ngành nông nghiệp chúng ta vốn có thế mạnh về sự đa dạng sản phẩm và sản lượng lớn mà sự cạnh tranh, tự chủ trong sản xuất, kiểm soát và điều phối thị trường hạn chế như vậy, nó đặt ra vấn đề cho cả nền kinh tế. Liệu chúng ta có khả năng cải thiện năng suất, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, xa hơn là cạnh tranh trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và vượt qua bẫy thu nhập trung bình?
Có lẽ sẽ rất khó để giải được bài toán ấy, nếu không có những cơ chế động lực để hỗ trợ DN tiến ra thế giới bằng chính những giá trị khác biệt của Việt Nam, bằng thương hiệu gắn với cà phê, gạo… vẫn đang đứng top đầu thế giới về xuất khẩu.