Chú trọng chất lượng, an toàn hoạt động Fintech
Fintech giúp giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt ở Việt Nam | |
Đổi mới sáng tạo cần đi đôi với quan hệ hợp tác |
Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với TS. Châu Đình Linh - chuyên gia kinh tế Trường kinh doanh SSB xung quanh vấn đề này.
Theo ông, vì sao NHNN lại đưa ra tỷ lệ này?
Thành công của Nghị định 101 là không thể phủ nhận với nhiều con số đạt được ấn tượng trong hoạt động thanh toán, quản lý thanh toán, tăng cường cơ sở hạ tầng thanh toán, thúc đẩy phát triển phương tiện thanh toán... Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng xuất hiện nhiều hạn chế bất cập trong hoạt động thanh toán, trong đó có vấn đề pháp lý chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN trong lĩnh vực TGTT, an ninh tiền tệ, dữ liệu người dùng, hoạt động thanh toán quốc tế…
Việc NHNN dự kiến quy định tỷ lệ 49% sở hữu cổ phần của NĐTNN đối với các tổ chức TGTT (phi ngân hàng) được coi là một trong nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn đọng đang diễn ra trên thị trường TGTT. Phải nói thêm là, tỷ lệ này chỉ dành cho các tổ chức thực hiện dịch vụ TGTT, chứ không phải bao gồm tất cả Fintech.
Nếu xét tỷ lệ sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại các TGTT trong dự thảo của NHNN so với các nước Đông Nam Á đang áp dụng như Thái Lan (mức trần 25%, 25-49% do NHTW quyết định, >49% do Bộ Tài chính quyết định), Indonesia (20%), Malaysia (30%)… thì tính cởi mở và khuyến khích tốt hơn các NĐTNN đầu tư vào Fintech lĩnh vực TGTT. Nói như thế để thấy, tỷ lệ này cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp đưa ra nhằm thúc đẩy và hoàn thiện hoạt động quản lý hoạt động thanh toán tại Việt Nam.
Đồng thời, tỷ lệ này còn giúp đạt nhiều mục đích bao gồm: tạo cơ hội đầu tư cho NĐTNN trong lĩnh vực Fintech dịch vụ thanh toán; quản lý hoạt động chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN vào lĩnh vực TGTT; đảm bảo an ninh tiền tệ và quản lý chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán; và quản lý tốt các giao dịch thanh toán quốc tế, đặc biệt là các giao dịch của Fintech có yếu tố đầu tư nước ngoài.
Việc định room cho NĐTNN sẽ tác động ra sao đối với thị trường và các doanh nghiệp TGTT, thưa ông?
Quy định tỷ lệ này không điều chỉnh các TGTT là ngân hàng, mà tập trung các TGTT là Fintech. Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 154 Fintech, trong đó khoảng 37 Fintech thực hiện dịch vụ TGTT. Tuy nhiên chỉ có khoảng 5 công ty chiếm 90% thị phần (Momo, Payoo, Moca, Senpay, Airpay).
Vì vậy, quy định tỷ lệ 49% sẽ dễ dàng áp dụng vào thực tiễn của số lượng ít là 5 công ty nêu trên (cũng như dễ dàng giám sát đảm bảo tỷ lệ này thực hiện được) và điều chỉnh cho các công ty còn lại. Có thể khẳng định, tỷ lệ này không tác động tiêu cực mà giúp sắp xếp và hệ thống hóa hoạt động TGTT của các Fintech tại Việt Nam. Đồng thời quy định này còn tác động tích cực đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, đảm bảo an ninh - an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia.
Ông có cho rằng việc giới hạn room ngoại ở mức đề ra tại dự thảo có gây khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn lớn từ các NĐTNN tham gia vào thị trường Fintech Việt Nam hay không?
Một khoảng thời gian dài, các Fintech nói chung và Fintech trong lĩnh vực thanh toán nói riêng đã được hỗ trợ tăng trưởng trong thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam. Theo quy luật, sự tăng trưởng cần thay thế bởi sự phát triển, nghĩa là chú trọng chất lượng và an toàn của các hoạt động Fintech. Do đó, để phát triển tốt hơn các Fintech trong lĩnh vực thanh toán thì cần có nhiều giải pháp và giới hạn tỷ lệ cũng là một trong những giải pháp tốt.
Như đã trao đổi ở trên, nếu so tỷ lệ giới hạn này với các nước trong khu vực, thì tại Việt Nam mang tính hấp dẫn các NĐTNN hơn. Đó là chưa kể, Việt Nam sở hữu một thị trường tiêu dùng lớn và tăng trưởng nhanh trong khu vực. Đồng thời, tỷ lệ này chỉ điều chỉnh các Fintech tham gia trong lĩnh vực TGTT, chứ không phải bao gồm tất cả Fintech.
Ông có đề xuất gì với cơ quan quản lý để có thể thúc đẩy Fintech phát triển tương xứng với kỳ vọng, song vẫn đảm bảo an ninh, an toàn?
Sự tăng trưởng và phát triển của Fintech là xu hướng tất yếu trong hoạt động tài chính - tiền tệ của một quốc gia. Các cơ quan quản lý nên khuyến khích phát triển Fintech trên nền tảng là đảm bảo an ninh - an toàn tiền tệ, bảo vệ lợi ích người dùng, quản lý chủ động rủi ro của mô hình.
Để làm được điều này, tôi cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc triển khai cơ chế sandbox cho các mô hình Fintech và khuyến khích các Fintech thuần Việt Nam phát triển. Song song với đó phải xác định mức độ rủi ro cho từng mô hình Fintech và quản lý rủi ro chủ động với các giải pháp khuyến khích khác nhau. Có thể xem xét mức tỷ lệ giới hạn sở hữu NĐTNN cao hơn và trình ngoại lệ cho một cơ quan quản lý nhà nước xem xét;…
Xin trân trọng cảm ơn ông!